BHXH theo mô hình đa tầng, được hiểu như thế nào?
05/06/2018 08:25 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), trong 11 nội dung cải cách, nội dung cải cách đầu tiên là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, gồm các tầng cụ thể như sau :
Tầng thứ nhất là trợ cấp hưu trí xã hội: Ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng. Có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.Hiện nay nước ta đang thực hiện dưới dạng trợ cấp tuổi già, mức hưởng 270.000 đồng/ tháng đối với những người già trên 80 tuổi không có lương hưu.
Tầng thứ hai là Bảo hiểm xã hội cơ bản, bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện: Bảo hiểm xã hội bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Bảo hiểm xã hội tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động; có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân. Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội theo lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp từng thời kỳ.
Tầng thứ ba là Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Trụ sở BHXH tỉnh
Như vậy, mục tiêu của Nghị quyết lần này là cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Khi đó, mọi người sẽ có lương hưu lúc về già và không ai bị bỏ lại phía sau./.
Chi tiết >>