Lĩnh vực Bảo hiểm y tế "Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam cao hơn mức trung bình của thế giới"
04/07/2019 07:54 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việt Nam đạt chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á và toàn cầu.
Ngày 28.6, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính - Bộ trưởng Y tế G20 về chủ đề tài chính bền vững cho bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC). Đến nay, Việt Nam đã có 89% dân số tham gia BHYT, đạt chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu là 73 điểm (trên 100), cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (59) và toàn cầu (64).
Việt Nam đã có bài phát biểu tại Hội nghị chung Bộ trưởng Tài chính - Bộ trưởng Y tế G20, trong đó đánh giá cao sáng kiến hỗ trợ thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân để thiết lập một hệ thống quốc gia đảm bảo cho tất cả mọi người được sử dụng các dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng mà không gặp khó khăn về tài chính. Sáng kiến này sẽ góp phần tăng cường an ninh y tế toàn cầu. Đây là nội dung quan trọng đối với các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển, đặc biệt khi dân số trở nên già hóa tạo gánh nặng lên hệ thống cung cấp dịch vụ y tế và tài chính.
Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tài chính y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong 2 thập kỷ qua. Đặc biệt phải kể đến đó là trợ cấp toàn bộ chi phí mua thẻ BHYT cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 80 tuổi và các đối tượng khó khăn ngay từ giai đoạn đầu, đồng thời với phát triển mạng lưới cơ sở y tế rộng khắp, tăng tiếp cận dịch vụ y tế. Hợp nhất các chương trình hỗ trợ tài chính cho khám chữa bệnh của Chính phủ vào một hệ thống BHYT duy nhất nhằm chia sẻ rủi ro.
Chính phủ Việt Nam tăng cường đầu tư và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong lĩnh vực y tế, ưu tiên bố trí ngân sách, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước. Tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng.
Việt Nam đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế, đa dạng hóa các hình thức hợp tác công - tư. Các cơ sở y tế, chăm sóc người cao tuổi hoạt động không vì lợi nhuận được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật. Về chính sách thuế đối với cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực y tế hiện đang được hưởng ưu đãi thuế ở mức cao nhất. Ngoài ra đối với những hàng hóa có hại cho sức khỏe như bia, rượu, thuốc lá thì bị điều tiết tăng dần theo lộ trình bởi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt. Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Với những nỗ lực cải cách trên, đến nay, Việt Nam đã có 89% dân số tham gia BHYT, đạt chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu là 73 điểm (trên 100), cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (59) và toàn cầu (64). Mức độ bảo vệ tài chính cho người dân trong chăm sóc sức khỏe được cải thiện, chi tiêu y tế thảm họa trên 25% tổng chi tiêu hộ gia đình chỉ còn 1,8%, nghèo hóa do chi y tế đã gần như bị loại bỏ (1,3%). Bên cạnh đó, Việt Nam có chủ trương trình Quốc hội tăng độ tuổi lao động từ 60 lên 62 tuổi đối với nam và từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ. Trên cơ sở đó, củng cố thêm nguồn lao động, giải quyết công ăn việc làm và chính sách bảo hiểm hưu trí cho người về hưu.
Việt Nam mong muốn các nước G20 tiếp tục thúc đẩy tăng cường hợp tác đa phương và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan tài chính và y tế, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế để đảm bảo an ninh y tế quốc gia, khu vực và toàn cầu./.
Chi tiết >>