Ngành BHXH Việt Nam: Giải quyết TTHC hướng tới số hoá, không phụ thuộc vào địa giới hành chính

19/08/2021 04:33 PM


Đây là một trong những mục tiêu của Kế hoạch 2402/KH-BHXH vừa được BHXH Việt Nam ban hành nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam.

 

Công tác giải quyết TTCH ngành BHXH Việt Nam hướng tới số hoá, không phụ thuộc vào địa giới hành chính (Ảnh minh hoạ)

Kế hoạch nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ trong công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.

Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025: 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp TTHC yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở; 100% hồ sơ, giấy tờ kết quả giải quyết TTHC được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC; Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống còn tối đa 15 phút/01 lượt giao dịch vào năm 2025.

Để đạt được mục tiêu đề ra, BHXH Việt Nam xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH tỉnh) và việc phối hợp giữa các đơn vị nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện nhiệm vụ Đề án, tập trung vào các nội dung công việc gồm:

1. Xây dựng Kế hoạch và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC của ngành BHXH Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025.

2. Tổ chức việc tiếp nhận, giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, nhiệm vụ của Đề án và quy định của BHXH Việt Nam.

Tăng cường số hoá, thanh toán không dùng tiền mặt, không phụ thuộc địa giới hành chính trong giải quyết TTHC

3. Thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của ngành BHXH qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ đơn giản hóa TTHC và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trên môi trường điện tử và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

4. Thực hiện việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các phần mềm ứng dụng của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC ngành BHXH với Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

5. Gắn kết việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác.

Các đơn vị: Vụ Tài chính - Kế toán, Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ, Ban thực hiện chính sách BHXH, Ban thực hiện chính sách BHYT thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả của quy định TTHC theo Kế hoạch kiểm soát TTHC định kỳ hằng năm để đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao. Tập trung theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ,giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC.

Nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN (Ảnh minh hoạ)

Thủ trưởng các đơn vị: Văn phòng, Trung tâm lưu trữ, Trung Tâm công nghệ thông tin, Giám đốc BHXH tỉnh và các đơn vị nghiệp vụ liên quan, chủ động xác định trách nhiệm trong công tác số hóa và lưu trữ hồ sơ điện tử theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP bảo đảm hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa, lưu trữ điện tử theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu, tái sử dụng dữ liệu trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức.

Giám đốc BHXH tỉnh nâng cao tính chủ động trong đổi mới công tác chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận một cửa trực thuộc phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn; chịu trách nhiệm về việc quyết định số lượng nhân sự thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận một cửa, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đáp ứng yêu cầu của công tác tiếp nhận và trả kết quả TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính theo mục tiêu Đề án, gắn với số hóa 100% hồ sơ tiếp nhận tại Bộ phận một cửa được cập nhật vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử.

PV