Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tự rèn luyện nâng cao tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho bản thân
27/10/2022 08:17 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sống, trong một cuộc nói chuyện với học sinh có nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Bác cũng đã có lời dạy cho cán bộ, đảng viên là: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” (Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, t.5, tr.309)
“Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?” ("Sửa đổi lề lối làm việc", tháng 10-1947; Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995; tập 5, tr. 251-253.)
Hơn nữa thế kỷ, từ khi Bác đi xa chúng ta về với Các Mác - Lê Nin, với các bậc tiền bối cách mạng, nhưng những lời dạy về tư tưởng, đạo đức cách mạng; đạo đức làm người của Bác luôn là những bài học quý giá, mang tầm thời đại và còn nguyên giá trị thực tiễn đến tận hôm nay cho mỗi người chúng ta trau dồi và học tập để thực hiện trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng; Nhà nước, làm sao cho xứng đáng là công bọc của nhân dân.
Đạo đức là gốc của mỗi con người. Tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nền tảng vững chắc để phát triển xã hội, Xã hội Chủ nghĩa. Đảng ta đã ý thức sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cũng như của toàn xã hội đối với sự nghiệp phát triển và xây dựng đất nước của nhân dân ta. Vì vậy, Đảng ta thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đề ra các Nghị quyết; Quy định để giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nhân văn cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Sự quan tâm của Đảng đến vấn đề tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cũng là mong muốn của mọi tầng lớp nhân dân, là để hiện thực hóa Chỉ thị số 05/CT-TW ngày 15/05/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.
Đạo đức công vụ là hệ thống các nguyên tắc, các quy tắc hành vi, xử sự trong công vụ, nhằm điều chỉnh thái độ, hành vi, cách xử sự, chức trách, bổn phận, nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ và những người khác khi được uỷ quyền thực thi công vụ. Ngoài phạm vi công vụ thì đạo đức của cán bộ, công chức nhà nước không trở thành đạo đức công vụ. Từ góc độ khách quan, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức là thái độ, hành vi, cách xử sự, việc thực hiện chức trách, bổn phận, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, khi thi hành công vụ.
Trong thực hiện nhiệm vụ được giao hàng ngày cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải giao tiếp với người dân, phối hợp với đồng nghiệp, chấp hành chỉ đạo của cấp trên, những mối quan hệ này phát sinh hàng ngày và sảy ra liên tục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Để các mối quan hệ này diễn ra tốt đẹp, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và để nhiệm vụ được hoàn thành thì cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải có cách ứng xử đúng mực, đúng quy định, với người dân, với đồng nghiệp, với thuộc cấp và với cấp trên, nếu mỗi công chức, viên chức thực hiện tốt các chuẩn mực trên là thể hiện tốt đạo đức công vụ. Ngược lại, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ việc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức như: cấp trên không tôn trọng cấp dưới, áp đặc ý kiến cá nhân không đúng quy định cho cấp dưới; hoặc cấp dưới không chấp hành sự phân công, điều hành của cấp trên, tự làm việc theo ý cá nhân của mình; ứng xử, đối đáp với người dân đến công tác không đúng mực thì mọi hành vi đó là vi phạm đạo đức công vụ.
Ở mỗi vị trí công tác, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều được người có thẩm quyền giao chức trách thực hiện nhiệm vụ để thực thi công vụ. Việc thực thi công vụ là nhiệm vụ được thể qua đạo đức, trình độ, năng lực, ý chí, thái độ và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên cơ sở chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và tuân thủ Pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị. Tất cả các nhiệm vụ có thể hoàn thành theo các mức độ khác nhau hoặc không hoàn thành, thậm chí vi phạm pháp luật cũng xuất phát từ nhiệm vụ được giao, đều phụ thuộc vào đạo đức, trình độ, năng lực, ý chí, thái độ và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Một vấn đề hết sức quan trọng và có tính chất quyết định trong thực thi công vụ có tốt hay không, đúng quy định hay không, có nhân văn hay không, đó là đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Nói một cách đơn giản và dễ hiểu một cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chỉ cần hội tụ các yếu tố sau: “Thứ nhất là có đạo đức tốt; thứ hai là có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc; thứ ba là có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi”, nếu một người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hội tụ 3 yếu tố trên, chắc chắn sẽ hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao và đó cũng là sự mong đợi không gì hơn nữa của người có thẩm quyền giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đó.
Việc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thường xuyên trau dồi tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có nhân cách tốt, có suy nghĩ công tâm, khách quan sẽ giúp cho bản thân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đó luôn có tâm trong sáng, thực hiện tốt công tác tham mưu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có tâm, có tầm. Ngược lại thật vô cùng nguy hiểm nếu cán bộ, công chức, viên chức có đạo đức kém, tâm không trong sáng, không tự rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống thì khi thực thi nhiệm vụ sẽ sa ngã, chỉ đạo cấp dưới; tham mưu cho cấp trên những nội dung, công việc không đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoặc cố ý lồng ghép ý đồ cá nhân không tốt của mình để tham mưu cho cấp trên, rồi mưu cầu lợi ích cá nhân cho bản thân mình, hoặc làm phương hại cho người khác, thậm chí phá hoại cơ quan, gây mất đoàn kết nội bộ, những biểu hiện đó là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống mà Đảng ta đã chỉ ra và kiên quyết đấu tranh, loại bỏ. Vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay hãy tự soi, rọi lại chính mình, học tập, rèn luyện, tu dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để thực sự là người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực thụ, có đạo đức luôn trong sáng, trung thực, tận tụy, công tâm, vô tư, khách quan, sáng tạo để xứng tầm với vị trí và nhiệm vụ được giao.
Giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của Đảng và Nhà nước. Với mục tiêu xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội Chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, thì đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao trước hết là những người phải có phẩm chất chính trị vững vàng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải có đạo đức, lối sống thật trong sáng mới chiến thắng được những cám dỗ vật chất tầm thường, phải bỏ ra ngoài tư duy những suy nghĩ lệch lạc, không chuẩn mực, không lồng ghép tạo dựng ý đồ xấu không đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào trong việc thực thi nhiệm vụ của mình. Xây dựng một xã hội văn minh, cơ quan, tổ chức văn hóa, vững mạnh, đáp ứng sự mong mỏi của người dân, một việc làm hết sức cần thiết hiện nay đối với cấp ủy, người đứng đầu; thủ trưởng cơ quan, tổ chức, phải xem việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên nền tảng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong công tác cán bộ. Đồng thời phải nhận diện ra và kiên quyết, nghiêm túc chấn chỉnh loại bỏ những dấu hiệu, những biểu hiện vi phạm về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Rất cần sự chính xác, mạnh dạn, tự tin của tổ chức; cơ quan; người có thẩm quyền trong việc uốn nắn, xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Nâng cao tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay, ngoài sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; hệ thống chính trị; các tổ chức, cơ quan; các đoàn thể. Thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự nâng cao đạo đức, lối sống, tự chấn chỉnh mình, tự soi rọi lại chính mình, có ý thức tự phê bình mình nghiêm khắc, tránh xa những việc làm sai trái, ý đồ cá nhân không tốt khi thực hiện nhiệm vụ, mới đáp ứng được lòng mong mõi của nhân dân và niềm tin của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Đảng bộ BHXH tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị sinh hoạt chuyên đề về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022
Trãi qua 27 năm hình thành và phát triển, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tin yêu giao trọng trách thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp cho người dân. Đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức của ngành đã được rèn luyện, đang đảm đương và xứng tầm với nhiệm vụ được giao, phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Mỗi đảng viên, công chức viên chức trong toàn ngành, nguyện ra sức học tập trau dồi tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ 05/CT-TW ngày 15/05/2016 của Bộ Chính trị. Kiên quyết đấu tranh và phê phán với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đảng viên, công chức, viên chức để xứng đáng với lòng mong mõi của nhân dân và sự tin yêu của Đảng và Nhà nước đã giành cho ngành./.
Hồ Tấn Lộc
Chi tiết >>