BHXH tỉnh Đắk Nông giao dịch điện tử ngày càng phát huy được ưu điểm

24/05/2017 04:37 PM


       Triển khai giao dịch điện tử là một trong những vấn đề then chốt của cải cách hành chính hiện nay. Cùng góp sức, chung tay với tỉnh Đắk Nông trong mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử nhằm giảm phiền hà và chi phí hành chính của người dân, doanh nghiệp, trong suốt hơn một năm qua, BHXH tỉnh Đắk Nông đã đề ra nhiều mục tiêu, xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả việc giao dịch điện tử.
      Cuối năm 2015, BHXH tỉnh Đắk Nông lần đầu tiên triển khai vận hành hệ thống giao dịch điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) về lĩnh vực Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Ưu điểm của phương thức giao dịch này là đảm bảo công khai, minh bạch và chuyên nghiệp. Đến năm 2016, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các địa bàn của 8 huyện, thị xã. BHXH các huyện, thị xã đều được cài đặt phần mềm tập trung để quản lý mảng nghiệp vụ: thu, sổ thẻ và tài chính; xây dựng hệ thống trao đổi, tích hợp thông tin thống nhất ngành BHXH để hoàn thiện hệ thống thông tin toàn ngành, tạo môi trường làm việc điện tử thông suốt trong nội bộ cũng như kết nối liên ngành, ngoài ngành… Các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh cũng được cài đặt phần mềm, 100% kế toán tại các đơn vị đều được tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm thành thạo để thực hiện các giao dịch điện tử, gồm: Đăng ký tham gia, cấp sổ, thẻ BHYT, giải quyết các chế độ và giám định thanh toán y tế. Việc triển khai thực hiện giao dịch điện tử mang đến những lợi ích thiết thực, thể hiện ưu điểm nổi bật và phù hợp với xu hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nên được sự ủng hộ, đồng tình của chính quyền địa phương và các đơn vị đến giao dịch.
      Việc thực hiện giao dịch điện tử về BHXH trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay chủ yếu thông qua đơn vị quản lý, sử dụng lao động. Đến nay, trên toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 1.425 đơn vị sử dụng lao động tham gia BHXH, trong đó có hơn 1.000 đơn vị đã cài đặt đăng ký giao dịch điện tử thành công, đạt khoảng 74%. Tính đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp lớn đều đã thực hiện giao dịch điện tử. Theo quy định, các hồ sơ bảo hiểm xã hội điện tử trên phải có đủ chữ ký số của những người có trách nhiệm ký chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử được thực hiện các giao dịch điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc hai nhà cung cấp I-VAN (dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội) đóng chân trên địa bàn tỉnh hiện nay là VNPT và Viettel suốt 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Cán bộ bảo hiểm xã hội sẽ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ngay khi nhận được vào thời gian làm việc hành chính. Như vậy, giao địch diện tử không những giúp giao dịch được thực hiện nhanh chóng mà còn giúp các đơn vị sử dụng lao động chủ động và tranh thủ được thời gian ở mọi lúc, mọi nơi để trao đổi thông tin, gửi hồ sơ,... Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các đơn vị sử dụng lao động đều đánh giá cao việc thực hiện giao dịch điện tử nhờ các ưu điểm như: xử lý công việc nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí. Một trong những đơn vị triển khai sớm và hiệu quả giao dịch điện tử hiện nay có thể kể đến như: Sở Xây dựng, Công ty điện lực Đắk Nông, Ngân hàng Công thương Đắk Nông... Để có được thành quả này, không thể không kể đến sự kiên trì, nỗ lực trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện của Bảo hiểm xã hội tỉnh. Bởi lẽ, cũng như nhiều chính sách, chương trình khác, trong thời gian đầu triển khai, giao dịch điện tử cũng vấp phải những ý kiến trái chiều, sự e dè và bỡ ngỡ của các đơn vị.    
      Bên cạnh công tác tuyên truyền và nỗ lực triển khai, hướng dẫn sử dụng đến từng đơn vị thì BHXH tỉnh cũng chú trọng đến việc chuẩn hóa đội ngũ đội ngũ nhân viên, trang thiết bị nhằm đáp ứng với các yêu cầu của ứng dụng giao dịch điện tử.Hiện tại, BHXH đang xây dựng sơ đồ mô hình hướng dẫn quy trình, phần mềm giao dịch điện tử để gửi đến các cơ quan đơn vị trên địa bàn nhằm giúp các đơn vị hiểu và căn cứ thực hiện giao dịch điện tử khi có hồ sơ phát sinh. BHXH tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện cho các đơn vị sử dụng lao động và BHXH các huyện, thị xã; Phân công, giao nhiệm vụ thực hiện giao dịch điện tử cho BHXH cấp huyện để việc triển khai được thực hiện quả nhất có thể. Trong quá trình triển khai, thực hiện, BHXH tỉnh cũng đã tổng hợp các kiến nghị, đề xuất từ BHXH cấp huyện và các đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch nhằm cải thiện và hoàn thiện chất lượng giao dịch. Một trong những đơn vị bảo hiểm xã hội cấp huyện đang triển khai khá tốt dịch vụ giao dịch điện tử là BHXH huyện Đắk R’lấp với tỷ lệ gần 93% đơn vị trên địa bàn thực hiện giao dịch thông qua điện tử. Trung bình mỗi tháng, BHXH huyện tiếp nhận và giải quyết 160 hồ sơ giao dịch điện tử gửi về. Để có được kết quả này, BHXH huyện Đắk R’lấp khẳng định luôn cùng với các đơn vị lắng nghe, chia sẻ mọi khó khăn và sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị để việc giao dịch điện tử được thông suốt.
      Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện giao dịch điện tử, bước đầu đã tạo nhiều thuận lợi cho người thực hiện và đối tượng tham gia, đặc biệt là tiết kiệm thời gian, chi phí, đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ cho doanh nghiệp và đơn vị, thuận lợi trong việc quản lí hồ sơ và giảm thiểu áp lực cho cơ quan quản lí bảo hiểm. Thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đề ra các giải pháp nhằm tăng cường triển khai thực hiện giao dịch điện tử   đạt đến 90%. Để giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội sẽ là điểm nhấn để góp phần vào công cuộc cải cách hành chính của tỉnh Đắk Nông trong con đường hướng tới xây dựng nền hành chính trong sạch, minh bạch, thông suốt, chuyên nghiệp, hiện đại. 

Phương Loan