Một số vấn đề trong công tác rà soát, bàn giao sổ BHXH cho Người lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

01/06/2017 07:26 AM


       Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có hơn 1.400 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đăng ký tham gia BHXH với gần 32.000 người lao động tham gia BHXH (cả bắt buộc và tự nguyện) và được cấp sổ BHXH.

Từ ngày 01/01/2016, theo quy định của Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2014, người lao động có quyền được cấp, quản lý sổ BHXH và có trách nhiệm bảo quản sổ BHXH. UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 1574/UBND-KGVX ngày 30/3/2017 chỉ đạo thực hiện công tác rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động.

Thực hiện quy định của pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Đắk Nông đã triển khai công tác rà soát, giao sổ BHXH cho người lao động đến toàn bộ đơn vị sử dụng lao động, người lao động trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện, BHXH tỉnh đã ban hành hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện công tác rà soát, bàn giao sổ trong ngành BHXH và đến từng đơn vị sử dụng lao động; đồng thời thành lập các Tổ Chỉ đạo, Tổ Thẩm định, Tổ Nhập liệu rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động. Với tinh thần quyết tâm cao, BHXH tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành công tác rà soát bàn giao sổ BHXH trong năm 2017, trước hạn so với BHXH Việt Nam.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, còn không ít những khó khăn, vướng mắc nảy sinh làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của BHXH tỉnh, đó là:

Thứ nhất, về thời gian tham gia BHXH, trong thời gian đầu mới thành lập tỉnh, nhiều cán bộ phụ trách BHXH tại các cơ quan, đơn vị chưa nghiên cứu kỹ các quy định về thời gian, đối tượng tham gia BHXH nên lập danh sách chưa đúng các mốc thời gian trong hợp đồng, quyết định tuyển dụng dẫn đến  một số người lao động thiếu thời gian tham gia BHXH so với thời gian công tác của mình. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi khi giải quyết chế độ BHXH của người lao động, không đủ thời gian tham gia, mất thời giờ để làm hồ sơ, thủ tục điều chỉnh bổ sung thời gian tham gia BHXH.

Thứ hai, về chức danh, công việc tại bộ phận được giao, trước đây việc thu BHXH, cấp và quản lý sổ BHXH của người lao động hầu hết bằng thủ công nên nhiều trường hợp người lao động chưa được ghi đầy đủ chức danh (theo đúng hợp đồng, quyết định được phân công), vị trí công việc, bộ phận làm việc (phòng, ban, khoa, tổ,…), đơn vị làm việc. Đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì cần phải ghi rõ vấn đề này để đảm bảo quyền lợi.

Thứ ba, về địa chỉ nơi làm việc, khi tỉnh ta mới được thành lập, hầu hết các trụ sở cơ quan, đơn vị của tỉnh đều thuê, mượn, tạm, địa chỉ đơn vị làm việc chưa ổn định, biến động thường xuyên nên việc ghi thông tin của đơn vị chủ yếu là huyện, tỉnh nên khó khăn trong việc xác định khu vực, địa bàn khi giải quyết chế độ trợ cấp khu vực cho người lao động.

Thứ tư, về tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH, do cán bộ phụ trách BHXH tại các cơ quan, đơn vị chưa hiểu kỹ các văn bản, quy định về chế độ tiền lương nên nhiều trường hợp hưởng lương, đăng ký tham gia BHXH không đúng mức lương quy định (theo ngạch, bậc); thời gian giữ bậc, nâng lương chưa phù hợp với văn bản quy định về tiền lương.

Thứ năm, một số đơn vị sử dụng lao động, người lao động chưa thật sự quan tâm đến các chế độ, chính sách về BHXH của mình trong quá trình công tác.

 Thứ sáu, cán bộ ngành BHXH còn thiếu chủ động trong công tác phối hợp với đơn vị, người lao động để hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ảnh: Sổ BHXH người lao động phải ghi điều chỉnh trong quá trình kiểm tra, rà soát.

 

Để công tác rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động đảm bảo tiến độ, mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, người lao động cần phối hợp thường xuyên với ngành BHXH để kịp thời xử lý những vướng mắc nảy sinh, cụ thể:

- Cấp ủy, chính quyền các cấp phải thường xuyên chỉ đạo, nắm bắt tình thực hiện công tác rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động trên địa bàn.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động phải quan tâm, chỉ đạo cán bộ phụ trách công tác BHXH phối hợp tốt với ngành BHXH để điều chỉnh, bổ sung các thông tin trên sổ BHXH còn chưa đúng, chưa phù hợp như: lập hồ sơ thu bổ sung thời gian tham gia BHXH cho người lao động, hồ sơ điều chỉnh tiền lương, tiền công tham gia BHXH phù hợp với các quy định về tiền lương; điều chỉnh chức danh nghề, bộ phận, địa chỉ nơi làm việc của người lao động. Ngoài ra các cơ quan đơn vị cần thường xuyên liên hệ, phản ánh những khó khăn vướng mắc về cơ quan BHXH để được hướng dẫn giải đáp.

- Đối với ngành BHXH, cán bộ, viên chức toàn ngành phải tập trung nỗ lực cố gắng trong việc triển khai các quy trình rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động; bản thân mỗi cán bộ, viên chức phải thường xuyên nghiên cứu các hướng dẫn của ngành, các quy định của pháp luật về tiền lương, phụ cấp, chế độ BHXH trong từng thời kỳ để kịp thời xử lý những vướng mắc nảy sinh; ngành BHXH tiếp tục tăng cường công tác quản lý bằng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu tham gia BHXH của người lao động để người lao động được tra cứu, biết các thông tin đóng BHXH của mình.

Hy vọng rằng với những giải pháp nêu trên sẽ góp phần giải quyết những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua, đẩy nhanh hoàn thành tiến độ thực hiện công tác rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động, chuẩn hóa dữ liệu tham gia BHXH để đảm bảo giải quyết chế độ BHXH cho người lao động, tiến tới quản lý BHXH điện tử.

Lê Đồng Cung