Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 10/2017.

03/11/2017 11:32 AM


       Chiều ngày 31-10, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 10/2017 tại 63 điểm cầu trên cả nước do Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì Hội nghị, Tham dự Hội nghị có đồng chí Phan Văn Toàn - Phó vụ trưởng vụ BHYT (Bộ Y tế), các đồng chí đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; và các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Đăk Nông có đồng chí Trần Ngọc Quân - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, Chánh văn phòng, Trưởng các phòng nghiệp vụ, các viên chức làm công tác tuyên truyền, phóng viên Báo Đăk Nông, Đài phát thanh truyền hình, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương thường trực tại địa bàn tỉnh tham dự.
     Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam báo cáo về kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm 2017 về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, nguyên nhân chính làm gia tăng bất hợp lý về chi phí KCB BHYT và một số giải pháp khắc phục thông qua hệ thống thông tin giám định BHYT, và những quy định mới về việc đóng BHXH từ 1/1/2018.
 
 
Hình ảnh tại điểm cầu tỉnh Đăk Nông
        Theo đó, tính đến 31/9/2017 cả nước đã có 122,6 triệu hồ sơ được gửi đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT với số tiền 63.593 tỷ đồng, tăng 7.579 tỷ đồng so với 31/8/2017. Cả nước có 21 tỉnh có chi phí KCB BHYT vượt quỹ BHYT của cả năm 2017 trên 100 tỷ đồng. Trong đó 6 tỉnh có số chi KCB BHYT bội chi cao từ 247-919 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gia tăng bất hợp lý về chi phí KCB BHYT là do mức đóng của người tham gia BHYT không thay đổi từ năm 2009, trong khi quyền lợi của người tham gia được mở rộng, quỹ BHYT phải chi trả nhiều hơn do giá dịch vụ y tế chưa hợp lý; không thực hiện đúng định mức theo quy định; thống kê thanh toán dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh còn nhiều bất cập; tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, phân loại phẫu thuật; tăng số lượng khám, chữa bệnh ngoại trú và điều trị nội trú bất hợp lý; kéo dài ngày điều trị; mua sắm, sử dụng thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý; trục lợi quỹ BHYT từ phía người tham gia và phía nhân viên y tế.
        Việc thực hiện hệ thống thông tin giám định BHYT, liên thông dữ liệu về chi phí KCB, giám định tự động và chủ động trên hệ thống đã được ngành BHXH triển khai cả nước có 12.135 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, bình quân đạt 96,3%. Qua giám định tự động hệ thống đã từ chối khoảng  17,6 triệu hồ sơ tương đương 358.668 danh mục dịch vụ đề nghị thanh toán BHYT, chiếm tỷ lệ 14.3% tổng số hồ sơ đề nghị. Trong 9 tháng năm 2017, Bảo hiểm xã hội các tỉnh đã thực hiện giám định chủ động trên 9,3 triệu hồ sơ, đạt tỉ lệ 7,85% số hồ sơ đề nghị thanh toán với số tiền từ chối thanh toán trên 114,78 tỷ đồng. Một số nguyên nhân chính dẫn đến các cơ sở y tế dữ liệu đề nghị thanh toán còn sai sót phải gửi nhiều lần, là do: Người đứng đầu chưa thực sự quan tâm ứng dụng CNTT trong giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT; chưa quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện mã hóa danh mục dùng chung và trích chuyển dữ liệu; không thực hiện đối chiếu, chốt dữ liệu thông tin của phiếu thanh toán với danh mục dùng chung đã thống nhất với cơ quan Bảo hiểm xã hội; dữ liệu điện tử không đối chiếu đúng nội dung, chi phí với chứng từ lưu tại bệnh viện; tính sai thuốc, dịch vụ kỹ thuật thanh toán theo điều kiện, tỷ lệ căn cứ quy định của Bộ Y tế; Ghi nhận sai tỷ lệ quyền lợi hưởng BHYT với các bệnh nhân có tổng chi phí một lần khám chữa bệnh thấp hơn tương đương 15% mức lương cơ sở, không phải thực hiện cùng chi trả.
      Hội nghị cũng được nghe báo cáo tình hình KCB đối với học sinh, sinh viên trong 9 tháng đầu năm 2017 chi phí KCB BHYT cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên là 2.067,5 tỷ đồng với 6.322.851 lượt khám chữa bệnh. Trong đó, nhóm bệnh lý các loại tai nạn với tổng chi phí 222,5 tỷ đồng.
Trước thực trạng trên, BHXH Việt Nam đã đưa ra một số nhóm giải pháp khắc phục như:  Nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý quỹ của tất cả các bên, tăng cường phối hợp thực hiện giữa ngành y tế và BHXH, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng  công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát công tác KCB  BHYT; mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư y tế tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra giám sát và xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật BHYT; đề xuất năm 2018 sẽ là năm hành động về quyền lợi BHYT.
       Hội nghị lần này còn cung cấp thêm những quy định mới về việc đóng BHXH từ 1/1/2018, như việc bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cho người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Những quy định về việc tiền lương đóng BHXH từ ngày 1/1/2018 đối với đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2018, Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện với mức: 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.
      Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo BHXH Việt Nam, cũng như lãnh đạo các đơn vị trực thuộc đã giải đáp đầy đủ và kịp thời nhiều câu hỏi của các phóng viên xung quanh những vấn đề xã hội quan tâm, như: nguyên tắc có đóng có hưởng, mức hưởng hưu phụ thuộc vào mức đóng và thời gian đóng của người lao động tham gia BHXH.
      Kết luận hội nghị, Phó tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn phát biểu: Thực hiện chính sách BHXH, BHYT còn rất nhiều vấn đề sẽ tiếp tục được điều chỉnh, chỉnh sửa, bổ sung, hiện tại theo định hướng tiến tới sự công bằng và hiệu quả hơn, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động, người dân, và mong muốn các cơ quan báo chí, thông tấn cung cấp kịp thời, đầy đủ chính sách BHXH, BHYT hiện nay để có những điều chỉnh tốt hơn thêm chính sách BHXH, BHYT trong thời gian tới./.

Nguyễn Thị Quỳnh Giao