Sự sẻ chia thầm lặng
04/07/2019 07:56 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
01/07/2019 09:12 AM
Dù nằm trong hồ sơ bệnh án hay ngăn nhỏ một chiếc ví thì tấm thẻ BHYT vẫn mang giá trị to lớn. Sự sẻ chia thầm lặng, nhân văn của chính sách BHYT đã mang lại niềm vui, niềm hi vọng cho nhiều mảnh đời kém may mắn.
Thân quen từ tấm bé
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Tuyên (26 tuổi, huyện Ứng Hoà, TP.Hà Nội) tại Trung tâm Hemophilia - Viện Huyết học và truyền máu Trung ương. Từ 9 tháng tuổi, anh Tuyên đã phải nhập viện vì căn bệnh Hemophilia (tan máu bẩm sinh). Và từ đó đến nay, qua 26 năm, thời gian anh ở viện còn nhiều hơn ở nhà. Đồng hành với anh ngoài sự yêu thương, chăm sóc của người thân còn có tấm thẻ BHYT nhỏ bé giúp anh vượt qua những đau đớn và gánh nặng tài chính để chữa trị bệnh tật.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Tuyên: "Thẻ BHYT đã thân thuộc với tôi từ tấm bé"
Anh Tuyên chia sẻ: “26 năm gắn bó với giường bệnh, sau mỗi đợt điều trị khoảng nửa tháng tôi được về thăm nhà vài ngày. Mỗi đợt điều trị tốn hàng trăm triệu đồng. Gần đây, bác sĩ còn cho biết, bệnh tôi đã chuyển sang thể kháng thuốc nên thời gian từng đợt điều trị sẽ dài thêm và chi phí cũng tăng lên. Đợt điều trị gần nhất trong tháng 6/2019, tổng chi phí hết 1,04 tỷ đồng”.
Có thể thấy, chi phí điều trị bệnh của anh Tuyên là rất lớn, đặc biệt nếu cộng dồn của cả 26 năm qua. Anh Tuyên cho biết, gia đình anh kinh tế khá khó khăn, thu nhập chính từ làm ruộng, chăn nuôi và cửa hàng tạp hoá nhỏ của mẹ. Mấy năm gần đây, cả bố mẹ và hai người em đều vào Nam để làm thuê nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Do đó, nếu không được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị thì anh và gia đình đã bỏ cuộc từ lâu.
“Tôi không nhớ cụ thể mình có thẻ BHYT từ bao giờ. Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã thấy tấm thẻ màu xanh này. Mẹ tôi vẫn nói đó là “bùa hộ mệnh” của tôi. Quả thật, căn bệnh của tôi quá hiểm nghèo, điều trị lâu dài và rất tốn kém nhưng nhờ có thẻ BHYT mà tôi có thể yên tâm chữa bệnh”- anh Tuyên tâm sự.
Nói về quãng thời gian 26 năm chữa bệnh, anh Tuyên nói cho chúng tôi về 2 hình ảnh thân thương nhất với anh là người bà nội năm nay đã 74 tuổi và tấm thẻ BHYT. Người bà đã cao tuổi đó vẫn hằng ngày bên anh, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, xoa dịu những cơn đau, dày vò của bệnh tật. Còn tấm thẻ BHYT tuy không ở cạnh, nằm im lìm trong tập hồ sơ bệnh án nhưng với anh Tuyên nó vẫn rất thân thương, gần gũi và là chỗ dựa tinh thần cũng như vật chất cho anh trên hành trình còn nhiều gian nan.
Tấm thẻ có giá trị lớn nhất
Khác với anh Tuyên, chàng trai Ngô Công Thủy (24 tuổi, huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) mắc căn bệnh Bạch cầu mãn tính dòng tủy (một dạng của ung thư máu) nhưng không phải nằm điều trị tại bệnh viện mà hằng tháng chỉ cần đến khám và lấy thuốc theo đơn về uống.
Bệnh nhân Ngô Công Thủy: "Thẻ BHYT là tấm thẻ có giá trị lớn nhất đối với tôi"
Tuy nhiên, căn bệnh của Thủy phải sử dụng loại thuốc rất đắt tiền. Thủy cho biết, mỗi viên thuốc Glivec điều trị bệnh này có giá 500.000 đồng, mỗi ngày phải uống 4 viên. Một tháng, Thủy phải uống 120 viên với tổng số tiền 60 triệu đồng. Và Thủy đã điều trị căn bệnh này nhiều năm nay.
Thủy cho biết, cách đây 4 năm, thấy mệt mỏi trong người, chán ăn và sút cân nhanh, Thủy đi khám ở bệnh viện tỉnh và các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Bạch cầu mãn tính dòng tủy, sau đó chuyển lên Viện Huyết học và truyền máu Trung ương điều trị.
“Lúc đó, em rất buồn, cảm giác mọi thứ như sụp đổ trước mắt. Bố mẹ em cũng rất lo lắng vì gia đình nghèo, thu nhập chỉ trông vào nghề đánh cá nhỏ ven bờ. Tuy nhiên, khi biết những chi phí điều trị sẽ được quỹ BHYT chi trả, em và mọi người như trút được gánh nặng, tìm thấy niềm hi vọng”- Thủy tâm sự.
Thủy kể, 12 năm học phổ thông, em đều tham gia BHYT và chưa phải dùng đến bao giờ nên khi thôi học em không có ý định tiếp tục tham gia. Nhưng người mẹ lo xa, đồng thời có nghe biết về lợi ích của chính sách BHYT nên đã dành dụm tiền tham gia BHYT cho cả gia đình và cất những tấm thẻ ở trong ngăn tủ. Ngày Thủy nhập viện, người mẹ mới nhớ đến tấm thẻ BHYT đó và mang ra sử dụng.
“Quả thật trước đây, em đã biết về lợi ích của BHYT nhưng vẫn nghĩ đó là một điều gì đó xa xôi, không quá cần thiết với bản thân mình vì mình còn trẻ, còn khỏe. Nhưng giờ đây, tấm thẻ BHYT đã trở thành người bạn thân thiết, cho em niềm tin, niềm hi vọng để chống chọi với căn bệnh này”- Thủy tâm sự.
Thủy cũng cho biết, sau mỗi lần đến bệnh viện lấy thuốc, chiếc thẻ BHYT luôn được em cất cẩn thận trong 1 ngăn nhỏ của chiếc ví da. Thủy nói vui: “Với nhiều người tấm thẻ ngân hàng có giá trị lớn nhất nhưng với em tấm thẻ có giá trị lớn nhất lại là tấm thẻ BHYT”.
Sau thời gian điều trị, sức khoẻ của Thủy đã dần ổn định. Hiện, Thủy đã xin được công việc tại một doanh nghiệp ở Hải Phòng với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Thủy nhẩm tính, số tiền đó chỉ đủ mua 10 viên thuốc nhưng nhờ có thẻ BHYT mà Thủy có thể yên tâm chữa bệnh, dành số tiền lương lo toan cuộc sống hằng ngày.
“Chiếc phao cứu sinh”
Trên đây chỉ là 2 trong hàng nghìn bệnh nhân đang điều trị ở Viện huyết học và truyền máu Trung ương được hưởng những lợi ích từ tấm thẻ BHYT. BS.Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Trung tâm điều trị Hemophilia cho biết: Chỉ riêng Trung tâm hiện đang điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân. Điều trị hemophilia phải dài ngày và chi phí rất tốn kém, trung bình khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm/bệnh nhân. Nếu bệnh nhân nặng, ở thể kháng thuốc có thể lên tới cả tỷ đồng và người bệnh phải điều trị cả cuộc đời. Đây là số tiền không hề nhỏ ngay cả với cả những người giàu, nhưng nếu tham gia BHYT người bệnh sẽ được chi trả từ 80 - 100% chi phí điều trị.
“Thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nên chúng tôi rất “thấm thía” tầm quan trọng và tính nhân văn của chính sách BHYT. Tham gia BHYT hằng năm sẽ là một việc làm cần thiết để mỗi người bảo vệ sức khỏe, kinh tế của bản thân và gia đình”- BS.Mai chia sẻ.
TS.Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương cũng khẳng định, BHYT có vai trò vô cùng quan trọng nhất là đối với những bệnh nhân không may mắc phải bệnh hiểm nghèo. Hiện nay, các cơ sở y tế ngày càng áp dụng những phác đồ điều trị, máy móc tiên tiến, hiện đại; chất lượng khám chữa bệnh tăng lên đồng nghĩa với chi phí cũng cao hơn. Do đó, nếu không có BHYT, người bệnh rất khó đủ điều kiện tiếp cận, thụ hưởng.
“Tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, 97 - 98% người bệnh có thẻ BHYT. Đây chính là “chiếc phao cứu sinh” của các bệnh nhân. Nếu không có thẻ BHYT thì hầu hết người bệnh khó có thể điều trị được một, hai đợt hóa chất và sử dụng các dịch vụ, loại thuốc đắt tiền” - TS.Khánh chia sẻ./.
Nội dung thông tin cung cấp trên trang thông tin điện tử ?.