Kinh nghiệm quốc tế: Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong thực hiện ASXH
29/01/2021 04:20 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 28/1/2021 (theo giờ Việt Nam), Hiệp hội An sinh xã hội thế giới (ISSA) tổ chức Hội nghị chuyên đề “Lãnh đạo trong quản lý ASXH”. Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về Quản lý ASXH (LEAD 2021) phối hợp cùng với Cơ quan Quản lý ASXH về Y tế của Indonesia (BPJS Kesehatan) tổ chức.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với trên 100 tổ chức thành viên của ISSA tham dự tại các điểm cầu. BHXH Việt Nam với vai trò là thành viên tích cực của ISSA tham dự tại điểm cầu Hà Nội. Hội nghị gồm hai phiên: Sự lãnh đạo trong quản lý ASXH ở kỷ nguyên con người và kỹ thuật số; Hiểu biết về hành vi và ASXH.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Marcelo Abi-Ramia Caetano- Tổng Thư ký Hiệp ISSA nhấn mạnh, chúng ta đã trải qua một năm 2020 với muôn vàn khó khăn. Nhưng trong khó khăn, thách thức, thế giới đã nhìn thấy vai trò của ASXH, trong đó ứng dụng công nghệ trong thực hiện ASXH đã phát huy hiệu quả vô cùng mạnh mẽ. Đồng thời, những thách thức đối với các hệ thống ASXH đang buộc các nhà quản trị phải xác định được kế hoạch thích nghi, đổi mới để đảm bảo tính bền vững của ASXH, đáp ứng được nhu cầu đối với ASXH đang ngày càng gia tăng, đồng thời phục vụ người dân tốt hơn.
“Những tiến bộ trong CNTT và truyền thông đang mở ra những cơ hội và giải pháp mới. Và sự khéo léo cũng như những hiểu biết ngày càng phát triển của con người đang thúc đẩy sức mạnh biến đổi của những công nghệ này. Sự thay đổi cơ bản và bao trùm đang diễn ra hầu hết các tổ chức ASXH. Các nhà quản lý sớm nhận ra rằng các ý tưởng, sáng tạo và đổi mới sẽ hiệu quả hơn khi kết hợp với năng lực, kỹ năng với công nghệ kỹ thuật số” – Tổng Thư ký ISSA nhận định.
Đồng thời, ông Marcelo Abi-Ramia Caetano cũng cho rằng, hiện nay, nhiều tổ chức ASXH đang sử dụng những hiểu biết về tâm lý học, lựa chọn tiêu dùng và khoa học xã hội để cải thiện kết quả thực hiện ASXH. Chính vì vậy, Tổng Thư ký mong muốn, tại Hội nghị các các diễn giả, đại diện các thành viên của ISSA sẽ cùng trao đổi kinh nghiệm, đóng góp ý kiến để tiếp tục nâng cao vai trò quản lý, góp phần cải thiện việc mở rộng độ bao phủ, đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân thụ hưởng các chính sách ASXH.
Chia sẻ của diễn giả tại các điểm cầu
Tại Hội nghị, các thành viên đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn triển khai và định hướng trong ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong quản lý điều hành cũng như góp phần đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia các chế độ ASXH.
Bà T.B.J. Memela- Giám đốc điều hành Tổ chức ASXH Nam Phi cho biết, xác định với vai trò phục vụ, hiện nay hệ thống ASXH của Nam Phi có 10.000 nhân viên, phục vụ khoảng 20 triệu khách hàng đang thụ hưởng các chính sách liên quan đến ASXH như hưu trí, bảo trợ xã hội... Chính vì vậy, để đảm bảo phục vụ người dân đang thụ hưởng chính sách, đảm bảo chi trả, phòng ngừa gian lận, Tổ chức ASXH Nam Phi đã hợp tác với các nhà cung ứng dịch vụ, ứng dụng CNTT góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy tối đa các kênh truyền thông, phối hợp với các đối tác, các cơ quan Chính phủ để hỗ trợ người dân thụ hưởng chính sách ASXH nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thông qua các đối tác là ngân hàng, mobile chuyển đổi từ thanh toán truyền thống sang thanh toán điện tử, giảm thiểu sự tiếp xúc, giao dịch trực tiếp giữa con người với con người. Thông qua ứng dụng CNTT, thực hiện các dịch vụ trên môi trường điện tử, kỹ thuật số, hệ thống ASXH Nam Phi đã rút ngắn được thời gian giao dịch đối với người thụ hưởng chính sách, giảm thiểu gian lận, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng.
Đại diện của Tổ chức ASXH Nam Phi cũng cho biết, định hướng của Tổ chức này trong tương lai là tiếp tục đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ CNTT, dành niềm tin của mọi người, biến ASXH thành lựa chọn phù hợp nhất, thu hút mở rộng đối tượng tham gia, đồng thời góp phần giúp khách hàng được thụ hưởng các dịch vụ an sinh một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.
Đồng tình với quan điểm, ứng dụng CNTT đã góp phần rất lớn trong tạo niềm tin của người dân đối với các tổ chức ASXH, Tổng Giám đốc của BPJS Kesehatan- Indonesia Fachmi Idris cho biết, hiện Indonesia đang có khoảng 220 triệu dân tham gia BHYT với độ bao phủ đạt 83%. Trong khi đó, BPJS Kesehatan có khoảng 7.000 cán bộ. Chính vì vậy, việc số hóa, điện tử, ứng dụng CNTT sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ cán bộ làm việc đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc BPJS Kesehatan cũng cho rằng, việc có thúc đẩy số hóa nghiệp vụ hay không còn phụ thuộc lớn vào tầm nhìn của nhà lãnh đạo, cùng với đó là năng lực, trình độ của cán bộ. Ông Fachmi Idris cho rằng, lợi thế của BPJS Kesehatan chính là 90% cán bộ đều là những người trẻ, do đó thành thạo công nghệ chính vì vậy đáp ứng được yêu cầu về đổi mới trong hệ sinh thái của BPJS Kesehatan.
Tổng Giám đốc BPJS Kesehatan cũng chia sẻ, Ban Lãnh đạo xác định trong hệ sinh thái này, BPJS Kesehatan cần những đối tác để hỗ trợ, đó là hệ thống ngân hàng để thanh toán, chi trả điện tử, tự động hóa giúp giảm thiểu sự tiếp xúc giữa con người với con người. Các đối tác về CNTT giúp BPJS Kesehatan xây dựng và vận hành phần mềm nhận diện gian lận...
Chia sẻ về ứng dụng CNTT, số hóa các quy trình nghiệp vụ đã góp phần giúp chuyển đổi môi trường làm việc từ giấy tờ sang điện tử, ngài Egon Veermae, Tổng Giám đốc điều hành của Tổ chức ASXH Estonia cho biết, Tổ chức ASXH Estonia có nhiệm vụ chi trả các chế độ phúc lợi, BHXH, chăm sóc người khuyết tật, phụ trách hệ thống bảo trợ trẻ em, tham gia bảo trợ xã hội... Tuy nhiên, hiện độ sẵn sàng số hóa, ứng dụng CNTT nhất là tại các bộ, ngành đất nước này còn hạn chế. Chính vì vậy, muốn số hóa, ứng dụng CNTT đòi hỏi phải huy động được nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này. “Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội buộc nhiều tổ chức phải thay đổi suy nghĩ. Với mong muốn mang lại các dịch vụ tiện lợi nhất cho khách hàng, Tổ chức ASXH Estonia đã phối hợp với các đối tác trong lĩnh vực CNTT, số hóa nghiệp vụ, quy trình, ưu tiên chuyển đổi quy trình làm việc từ hành chính sang phục vụ, đầu tư cả nhân lực, tài lực. Từ đó tạo ra một môi trường làm việc điện tử, giảm thiểu giấy tờ, góp phần vào phục vụ khách hàng tốt hơn. Chính vì vậy, năm 2020, Tổ chức ASXH được Chính phủ Estonia đánh giá là cơ quan có những đột phá trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Hiện nay, người dân khi có mã số ID (chứng minh thư nhân dân) thì sẽ tự động kích hoạt mã số BHXH dù cá nhân này đã hoặc chưa tham gia vào hệ thống. Qua đó có thể góp phần quản lý khách hàng, mở rộng diện bao phủ BHXH. “Đầu năm 2021, Tổ chức ASXH Estonia vinh dự được Bộ Kinh tế Estonia trao giải thưởng Sáng kiến thúc đẩy thay đổi thông qua chuyển đổi số, ứng dụng CNTT”- Tổng Giám đốc của Tổ chức ASXH Estonia cho biết.
Tại Hội nghị, các diễn giả đến từ Tổ chức ASXH thế giới; Philippines, Australia; Tunisia... cũng đã chia sẻ vai trò của hành vi trong việc hoạch định chính sách, mở rộng diện bao phủ và kinh nghiệm áp dụng nghiên cứu, chuyển đổi hành vi góp phần thúc đẩy ASXH.
Toàn cảnh Cuộc họp
Theo đó, chuyên gia cao cấp của ISSA đã dẫn chứng một vài ví dụ về việc nhiều quốc gia đã áp dụng việc thay đổi hành vi góp phần vào ASXH. Như tại Singapore đã áp dụng việc đưa ra những lựa chọn công khai, thuận tiện để lựa chọn hệ thống ASXH với sáng kiến “Tôi có thể làm được” bằng việc tuyên truyền, phổ biến cho NLĐ hiểu thay bằng việc đến trung niên mới nghĩ đến mối lo về hưu trí thì ngay từ khi bắt đầu tuổi lao động, NLĐ đã có thể tham gia hệ thống ASXH để đảm bảo có hưu trí khi về già. Hay như tại Uruguay, những lợi ích về phúc lợi xã hội, phòng ngừa rủi ro, ASXH được đưa vào nội dung sách giáo khoa để giảng dạy trong trường học góp phần xây dựng ý thức đóng góp, tham gia vào hệ thống ASXH khi đủ tuổi lao động. Tại Quốc đảo Malta đã xây dựng chính sách khi NLĐ tham gia BHXH càng sớm thì tỷ lệ phần trăm nhận lương hưu lại càng cao. Chuyên gia cao cấp của ISSA cho rằng, việc thấu hiểu hành vi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ra các quyết sách về ASXH, xây dựng hành vi cho ASXH.
PV
Nội dung thông tin cung cấp trên trang thông tin điện tử ?.