Bảo hiểm xã hội “Bà đỡ an sinh” cho người dân khi về già
27/05/2022 02:38 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo quy luật tạo hóa của đất, trời mỗi con người sinh ra đều phải trải qua những cung bậc thời gian: Được cha mẹ sinh ra, nuôi dạy và lớn khôn, học tập, trưởng thành, đem sức lao động đóng góp cho xã hội, mang lại thu nhập cho bản thân để đảm bảo cuộc sống của mỗi gia đình. Trong quá trình lao động để mưu sinh, sức khỏe con người dần hao mòn và tuổi tác cũng sẽ già theo thời gian, để tồn tại cuộc sống của một đời người luôn phải trải qua những vất vả, gian nan mà tạo hóa đã sắp đặt. Có người được giàu sang phú quý, nhưng lại có những người phải sống cực khổ đến cuối cuộc đời. Tuổi già, sức yếu không nơi nương tựa; không được sự phụng dưỡng, chăm sóc của con cái; không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống thì đó là điều bất hạnh không ai mong muốn.
Mưu sinh khi còn trẻ, tích góp để dưỡng già quả là điều không sai. Mỗi người về già đều có nhu cầu thiết yếu để duy trì sự sống, chăm lo sinh hoạt cho bản thân, tinh thần, thể chất, sức khỏe và chữa bệnh khi đau, ốm muốn thực hiện những nhu cầu thiết yếu cơ bản này thì phải có nguồn thu nhập ổn định, lâu dài. Nguồn tài chính này được hình thành từ sức lao động của bản thân hoặc từ sự tài trợ của con cái; từ hỗ trợ của Nhà nước; từ nguồn tài chính mà bản thân tự chủ động tạo ra khi còn trẻ đó là tiền lương hưu được nhận khi về già. Trong các nguồn tài chính trên cũng tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng người mà họ được hưởng, Nhà nước hỗ trợ theo đối tượng nhưng cũng có giới hạn; con cái phụng dưỡng nhưng bản thân mất đi sự chủ động và hơn nữa đâu phải người nào về già cũng được con cái phụng dưỡng; trực tiếp lao động thì tuổi già sức yếu không ai thuê mướn và cũng không còn sức khỏe để lao động. Chỉ có nguồn tài ổn định nhất chính là từ lương hưu của bản thân tự chủ động trang trãi sinh hoạt, không phải nương nhờ vào ai, không phải lao động khi về già khi không còn sức lao động. Nhận thức được lợi ích thiết thực của việc được nhận lương hưu khi về già, nhiều người đã và đang tham gia bảo hiểm xã hội, theo Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, ngày 20/11/2014. Hiện nay có hai loại hình tham gia BHXH đó là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao thực hiện các chính sách BHXH cho người tham gia BHXH, Ngành BHXH không kinh doanh BHXH vì mục tiêu lợi nhuận. Ở các địa phương có 63 BHXH tỉnh, thành phố tại BHXH các tỉnh, thành phố có BHXH các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc, đối với lực lượng Công an thì có BHXH Công an, đối với lực lượng Quân đội thì có BHXH Quân đội, dù người tham gia BHXH ở khu vực nào thì đến tuổi nghĩ hưu đều được BHXH các tỉnh, thành phố chi trả tiền lương hưu hàng tháng đầy đủ, kịp thời, dưới hình thức người được hưởng lương hưu đăng ký tài khoản tại các Ngân hàng, cơ quan BHXH có trách nhiệm chuyển tiền lương hưu vào tài khoản của người nhận qua Ngân hàng hoặc người hưởng lương hưu được nhận tiền mặt trực tiếp nơi không có trạm ATM của Ngân hàng. Ngoài việc người tham gia BHXH được nhận lương hưu hàng tháng, cơ quan BHXH hàng năm sẽ cấp thẻ BHYT miễn phí cho người hưởng lương hưu đi khám chữa bệnh, các chế độ BHXH về tử tuất, mai táng phí đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Việc đăng ký tham gia BHXH của các Tổ chức và người dân rất đơn giản, bằng nhiều hình thức, thuận tiện cho người tham gia BHXH. Đối với các tổ chức tham gia BHXH bắt buộc có thể đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, đối với người dân tham gia BHXH tự nguyện có thể đăng ký tham gia ở các đại lý thu BHXH tại các Bưu cục của Bưu điện hoặc đại lý thu BHXH tại các xã, thị trấn ở địa phương người dân đang cư trú, khi tham gia BHXH tự nguyện người tham gia BHXH được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí.
Ảnh minh họa: Bưu điện chi trả lương hưu trực tiếp cho người dân
Trong cuộc sống thực tế có lúc, có thời điểm công việc mưu sinh thuận lợi có thu nhập và có tích lũy, đôi lúc cũng gặp khó khăn, xong những lúc khó khăn khi tuổi còn trẻ thì có thể làm nhiều việc, nhiều cách để vượt qua khó khăn, nhưng đến khi tuổi về già gặp khó khăn thì khó vượt qua hơn, hoặc không thể vượt qua được do tuổi cao, sức yếu. Như vậy khi tuổi còn trẻ mưu sinh thu nhập có tích lũy thì hãy nên nhớ đến việc tham gia BHXH, khi gặp khó khăn không nên rút BHXH một lần vì vô tình người đang tham gia BHXH đã tự tước đoạt quyền được nhận lương hưu của mình khi về già. Nhưng thực tế hiện nay vì một lý do hoặc hoàn cảnh nào đó, một số người đang tham gia BHXH được một thời gian đã tự rút BHXH một lần. Thiết nghĩ khó khăn trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi, nhưng vì khó khăn mà rút BHXH một lần lại là điều cần suy nghĩ lại, một việc là giải quyết khó khăn cho hiện tại, trước mắt, một việc là cho tương lai khi về già mà không có nơi nương tựa, không có thu nhập lo cho cuộc sống là việc làm cần cân nhắc kỹ càng, người tham gia BHXH cần tính toán giữa lợi ích trước mắt và lợi ích sau này khi về già.
Ảnh minh họa: Người dân rút tiền lương hưu qua ATM
BHXH là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội (ASXH), được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện ASXH cho người dân. Những năm qua chính sách BHXH đã chứng tỏ được việc đảm bảo ASXH cho người tham gia BHXH khi về hưu, hàng tháng người về hưu được hưởng lương hưu tận tay, đầy đủ, kịp thời, đảm bảo cuộc sống cho họ không phải nương tựa và người khác, việc chăm lo sức khỏe cho người về hưu cũng được quan tâm, hàng năm được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT miễn phí đi khám chữa bệnh. Thời gian tới để thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách BHXH cho người về hưu, Ngành BHXH sẽ tham mưu, đề xuất với các Bộ, Ngành, Chính phủ xây dựng cơ chế, hoạch định chính sách BHXH cho người dân dễ tiếp cận hơn, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia BHXH để đảm bảo cuộc sống cho mình khi về già. BHXH đã và đang là điểm tựa, và thật sự là “Bà đỡ an sinh” khi về già cho người lao động, cho mọi tầng lớp nhân dân./.
Hồ Tấn Lộc
Nội dung thông tin cung cấp trên trang thông tin điện tử ?.