Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn: Nhiều dấu ấn quan trọng trong thực hiện chính sách BHYT

10/01/2017 08:20 AM


Năm 2016, ngành BHXH đã nỗ lực thực hiện chính sách BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017, Trang tin điện tử BHXH Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn TS. Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam xung quanh nội dung triển khai thực hiện chính sách BHYT.
plSon 291216.jpg 
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn

PV: Năm 2016 là năm thứ hai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, xin Phó Tổng Giám đốc cho biết, việc thực hiện chính sách BHYT năm 2016 tập trung vào những vấn đề gì?

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn:

Chính sách BHYT là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Năm 2016 là năm thứ hai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, công tác thực hiện chính sách BHYT của Ngành BHXH đứng trước nhiều thuận lợi cũng như thách thức.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT hướng tới mục tiêu phát triển BHYT toàn dân, tăng độ bao phủ BHYT hằng năm và bảo đảm       quỹ BHYT ngày càng bền vững. Mặt khác, việc mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT theo hướng công bằng, hiệu quả cũng góp phần bảo đảm nguồn tài chính ổn định cho ngành y tế trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt Luật quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước, coi đây là nhiệm vụ chính trị của các cấp các ngành và cả cộng đồng phải thực hiện.

Năm 2016, chính sách BHYT được tổ chức triển khai thực hiện với nhiều điểm mới như quy định về KCB thông tuyến huyện, điều chỉnh giá dịch vụ y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Cùng với đó là việc đồng bộ danh mục kỹ thuật với giá dịch vụ y tế mới và đẩy mạnh thực hiện tin học hóa trong KCB và thanh toán BHYT; Mở rộng diện bao phủ, phát triển BHYT theo chỉ tiêu của Chính phủ giao.

BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế trong việc xây dựng hệ thống văn bản dưới Luật, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Triển khai kịp thời việc thông tuyến KCB BHYT và thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi tốt nhất cho người có thẻ BHYT khi KCB. Phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện việc tin học hóa công tác KCB BHYT nói chung, giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT nói riêng, trong đó tập trung hoàn thiện việc chuẩn hóa danh mục, kết nối liên thông dữ liệu với các cơ sở KCB và tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ giám định trên toàn quốc;...


 GD BHYT 290616 05.JPG
Khai trương Hệ thống thông tin giám định BHYT

PV: Được biết, năm 2016, BHXH Việt Nam có những bước tiến vượt bậc trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn:

Trong tổ chức triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, điểm nhấn quan trọng nhất chính là công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT. Phát triển đối tượng ở đây là liên quan đến mục tiêu BHYT toàn dân, thực hiện đúng nguyên lý của BHYT xã hội là tham gia BHYT theo hộ gia đình. Năm 2016, ngoài việc tăng diện bao phủ, BHXH Việt Nam đã cơ bản hoàn thành thực hiện BHYT hộ gia đình theo hướng bắt buộc để thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.

BHXH Việt Nam đã thành công trong việc thực hiện các mục tiêu của Quốc hội trong Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, Quyết định 1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2015 – 2020. Và đặc biệt, mới đây nhất là Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020.

Ngay sau khi có Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 2783/BHXH-BT chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện một số nội dung về phát triển đối tượng tham gia, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch, phương án sử dụng nguồn kết dư quỹ KCB năm 2015 (nếu có) và nguồn huy động khác để hỗ trợ thêm phần kinh phí thuộc trách nhiệm phải đóng của người tham gia BHYT năm 2016 theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên: 100% người thuộc hộ gia đình cận nghèo; người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình đông con, gặp khó khăn về kinh tế; Xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể theo từng nhóm đối tượng để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chỉ tiêu thực hiện BHYT trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn 2016-2020; Tham mưu, báo cáo với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về việc kiện toàn lại Ban chỉ đạo phát triển BHYT toàn dân theo hướng Trưởng Ban là lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Ban thường trực là Giám đốc BHXH tỉnh… và gắn trách nhiệm phát triển đối tượng tham gia BHYT đối với các thành viên trong Ban chỉ đạo;...

BHXH Việt Nam đã thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu bao phủ. Đến thời điểm hiện nay, đã có hơn 80% dân số Việt Nam tham gia BHYT. Đây là bước tạo đà rất quan trọng cho độ bao phủ BHYT của năm 2017 và những năm tiếp theo.

PV: Năm 2016, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định mở rộng nhiều quyền lợi cho người tham gia BHYT, thông tuyến KCB BHYT, tăng giá dịch vụ y tế,… Xin ông cho biết, việc thực hiện các quy định này có tác động đến việc thực hiện chính sách BHYT như thế nào?

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn:

Trong năm 2016, BHXH Việt Nam đã làm được việc rất quan trọng là đã tiếp tục đảm bảo được quyền lợi cho người có thẻ BHYT theo hướng ngày càng mở rộng: Mức hưởng của rất nhiều nhóm đối tượng, nhóm người yếu thế: người nghèo, hộ cận nghèo, người có công, thân nhân người có công, trẻ em dưới 6 tuổi được nâng lên. Mặc dù, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế - Bộ Tài chính về giá dịch vụ y tế, việc thực hiện chính sách BHYT vẫn đảm bảo quỹ an toàn, ổn định.

Trong thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam luôn hoàn thiện, đổi mới và minh bạch hóa được vấn đề tài chính giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB. Việc tạm ứng, phân bổ quỹ giữa cơ quan BHXH cấp tỉnh và các bệnh viện rất minh bạch và rõ ràng. Minh bạch từ thông báo nguồn quỹ, số liệu đa tuyến, số liệu tạm ứng kinh phí kỳ đầu và kỳ cuối để cơ sở KCB đảm bảo không bị thiếu tiền mua thuốc, vật tư y tế cũng như cung cấp dịch vụ kỹ thuật, thuốc cho người bệnh.

Do tác động của quy định KCB thông tuyến huyện và thực hiện giá dịch vụ y tế mới có kết cấu chi phí phụ cấp tiền trực, phẫu thuật, thủ thuật và tiền lương nên ngay từ đầu năm, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố theo dõi, thống kê gia tăng chi phí. Thực tế, chi phí KCB 6 tháng đầu năm 2016 tăng rất cao, đã có bội chi, nhưng lãnh đạo Ngành đã có những chỉ đạo kịp thời để giảm bớt sự gia tăng chi phí KCB. Đơn cử như lãnh đạo Ngành đã làm việc trực tiếp với 17 tỉnh có tình trạng bội chi và có gia tăng chi phí bất thường; Họp trực tuyến với 63 BHXH tỉnh, thành phố để chỉ đạo tập trung triển khai các biện pháp kiểm soát chi phí; Kịp thời báo cáo Chính phủ, Quốc hội,… Do đó, tốc độ gia tăng chi phí KCB quý III đã giảm so với quý II và dự kiến đảm bảo chi KCB trong dự toán được giao và giảm so với kế hoạch đầu năm.

Tôi xin được nhấn mạnh, có được kết quả đó, bên cạnh việc làm tốt công tác quản lý, chỉ đạo kịp thời của BHXH Việt Nam còn có sự phối hợp chặt chẽ của Ngành Y tế và đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố đã vào cuộc một cách thực sự với trách nhiệm cao.

PV: Năm vừa qua, BHXH Việt Nam đã tập trung vào công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám định BHYT. Xin ông cho biết vài nét về vấn đề này?

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn:

Năm 2016, BHXH Việt Nam đã thực hiện đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính cùng với toàn ngành, trong đó mảng BHYT góp phần tích cực vào công tác này. Trong lĩnh vực BHYT, BHXH Việt Nam đã loại bỏ những hệ thống biểu mẫu, xin thanh toán trực tiếp,… gây phiền hà cho người bệnh.

Góp phần trong thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính chung của Ngành, một điều rất đặc biệt của thực hiện chính sách BHYT năm 2016 là thực hiện bước đột phá trong việc triển khai ứng dụng CNTT vào công tác giám định BHYT. Ngành BHXH đã nỗ lực tổ chức triển khai, vận hành hệ thống thông tin giám định BHYT trên toàn quốc.

BHXH Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Y tế để chuẩn hóa, ban hành các bộ mã danh mục dùng chung và các văn bản hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong quá trình chuẩn hóa danh mục dùng chung toàn quốc.

Ngành BHXH đã ban hành Công văn 1637/BHXH-CSYT ngày 06/5/2016, Công văn 1741/BHXH-CSYT ngày 19/5/2016 chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT và Quyết định số 784/QĐ-BHXH ngày 15/8/2016 phê duyệt kế hoạch triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT theo từng nội dung công việc cụ thể. BHXH Việt Nam đã đầu tư nhiều thời gian công sức trong việc phối hợp với các doanh nghiệp CNTT để hoàn thiện các chức năng, tính năng của phần mềm giám định BHYT.

Ngày 29/6/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện các Bộ, ngành đã bấm nút khai trương Cổng Giám định BHYT điện tử. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành BHXH để thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tin học hóa giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

Đến nay, số cơ sở y tế kết nối với hệ thống giám định BHYT đạt 99% so với kế hoạch. Hệ thống đã tiếp nhận gần 52,6 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT với số tiền gần 16.536 tỷ đồng từ 12.213/12/553 cơ sở KCB, đạt tỷ lệ liên thông dữ liệu 97%.

PV: Năm 2017, trong việc thực hiện chính sách BHYT, ngành BHXH sẽ tập trung vào những nội dung gì thưa ông?

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn:

Bước sang năm 2017, với mục tiêu triển khai thực hiện chính sách BHYT đạt kết quả tốt, đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT, BHXH Việt Nam sẽ triển khai toàn diện công tác thực hiện chính sách BHYT. Trong đó, tập trung chú ý một số nội dung:

Thứ nhất, phát triển đối tượng tham gia BHYT. Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW được cụ thể hóa trong Luật BHXH và Luật BHYT là phải thực hiện tất cả NLĐ tham gia BHXH và toàn dân tham gia BHYT. BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo địa phương đẩy nhanh độ bao phủ, phấn đấu đạt chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020.

Thứ hai, thường xuyên chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám định BHYT. Tăng cường kiểm tra chuyên sâu công tác thực hiện chính sách BHYT.

Thứ ba, bám sát, theo dõi các tỉnh, thành phố có bội chi lớn và gia tăng chi phí KCB để có giải pháp kịp thời nhằm giảm bội chi quỹ BHYT.

Thứ tư, tổ chức thực hiện quy trình giám định theo tỷ lệ trên tỷ lệ hồ sơ bệnh án trên phạm vi toàn quốc.

Thứ năm, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố làm tốt công tác 10 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chính sách BHYT năm 2017./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 
Đặng Huế (http://www.baohiemxahoi.gov.vn/)

  • TIN BÀI LIÊN QUAN