Bảo hiểm y tế, “cứu cánh” cho người nhiễm HIV/AIDS

16/05/2018 05:29 PM


         Kể từ năm 2017, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS sẽ không còn được cung cấp miễn phí thuốc kháng vi rút ARV trong điều trị. Vì vậy, việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là giải pháp tối ưu để giúp người nhiễm HIV/AIDS  duy trì việc điều trị cũng như sử dụng thuốc kháng vi rút ARV được thuận lợi
 
(Ảnh minh họa: Bệnh nhân HIV/AIDS khám và điệu trị bệnh)
 
        Lâu nay, được sự hỗ trợ của các dự án nước ngoài, người nhiễm HIV điều trị ARV được hoàn toàn miễn phí từ thuốc ARV, thuốc nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm... Từ năm 2017, các dự án nước ngoài giảm dần tài trợ và đến năm 2018 sẽ tiến tới cắt hẳn. Do đó, việc điều trị của các bệnh nhân sẽ tốn kém hơn vì bệnh nhân HIV/AIDS phải được duy trì sử dụng thuốc liên tục và suốt đời.
      Theo ông N.V.Q, một bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trú tại Phường Nghĩa Trung, Thị xã Gia Nghĩa thì những năm trước ông được miễn phí tiền sử dụng thuốc ARV để điều trị, giờ không được cấp miễn phí nữa thì mỗi năm ông phải tốn hàng chục triệu đồng cho cho các chi phí thuốc ARV, xét nghiệm… Ông N.V.Q rất lo lắng, vì đây là một gánh nặng không hề nhỏ đối với ông và gia đình.
       Hiện nay, Bộ Y tế đưa việc điều trị ARV vào danh mục thuốc BHYT chi trả. Vì vậy, bệnh nhân HIV/AIDS sẽ được quỹ BHYT thanh toán tiền thuốc ARV cũng như các chi phí dịch vụ: Thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ; phí xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai có HIV; khám bệnh; xét nghiệm HIV; thuốc ARV và các dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ có HIV. Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, toàn tỉnh hiện có hơn 200 người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị ARV nhưng số người có thẻ BHYT chỉ có 161 người. Đa số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn đều có điều kiện kinh tế khó khăn, không có nghề nghiệp, việc làm ổn định. Nếu không được điều trị ARV miễn phí thì khả năng bỏ điều trị sẽ rất cao. Vì vậy, việc tham gia BHYT đối với người nhiễm HIV là rất cần thiết, vì điều trị ARV là quá trình liên tục và suốt đời. Ngoài ra, người nhiễm HIV rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, cũng như phải làm các xét nghiệm theo dõi cần thiết định kỳ trong suốt quá trình điều trị ARV. Nếu người nhiễm HIV tự chi trả thì phần lớn sẽ không kham nổi, dẫn tới bỏ điều trị. Do đó cần thiết phải đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng nói chung và người nhiễm HIV/AIDS nói riêng hiểu rõ lợi ích của việc mua BHYT, đồng thời, huy động cá nhân, tổ chức hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS mua BHYT.
        Như vậy, việc tham gia BHYT là một trong những giải pháp hiệu quả nhất trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đặc biệt, đối với người nhiễm HIV/AIDS nguy cơ ốm đau nhiều hơn người khác, phải điều trị bằng thuốc kháng virus ARV liên tục và suốt đời thì chi phí cho việc điều trị là rất lớn, có thể vượt quá khả năng chi trả của hầu hết người bệnh, trở thành gánh nặng cho cả gia đình. Người nhiễm HIV/AIDS cần chủ động tham gia bảo hiểm y tế ngay từ hôm nay để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình, còn không có thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh người dân phải trả 100% khung giá tối đa mức khám chữa bệnh.

H.U