BHXH tỉnh tham dự Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai nhiệm vụ năm 2023

11/01/2023 04:18 PM


Sáng ngày 11/01/2023, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Tại điểm cầu Trung ương, tham dự và chỉ đạo Hội nghị đồng chí Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban cán sự, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Cường - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH, cùng các Phó Tổng Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; đại diện BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân.

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, tham dự hội nghị có đồng chí Võ Thị Ái Liễu Bí Thư Đảng ủy, Giám đốc BHXH tỉnh, đồng chí Hồ Tấn Lộc, Phó Giám đốc BHXH tỉnh; đồng chí Trần Ngọc Quân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cùng các trưởng, phó phòng các phòng nghiệp vụ thuộc BHXH tỉnh. Tại điểm cầu BHXH các huyện có lãnh đạo BHXH huyện, viên chức các bộ phận có liên quan.

Hình ảnh Hội nghị tại điểm cầu BHXH tỉnh Đắk Nông

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được xem phim tư liệu về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ngành BHXH năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023. Theo đó, năm 2022 kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, tuy nhiên, giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng cao, giá nông sản sụt giảm mạnh, ở một số địa phương do tác động của đại dịch Covid-19 vẫn chưa phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến đời sống người dân,…

Xác định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển BHXH, BHYT lộ trình đến năm 2025 theo các Nghị quyết của Đảng (Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Ngành BHXH Việt Nam đã luôn chủ động, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao. Đến hết ngày 31/12/2022, số người tham gia BHYT là 91,074 triệu người; đạt tỷ lệ 92,04% dân số (vượt 0,04% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP). Tăng 2,237 triệu người so với năm 2021, là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế-xã hội vượt kế hoạch năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ giao.

Số người tham gia BHXH là 17,5 triệu người; đạt 38,08% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 1,08% so với chỉ tiêu tại 01/NQ-CP); Tăng 953 nghìn người so với năm 2021; Bảo hiểm thất nghiệp Số người tham gia BHTN là 14,33 triệu người; đạt tỷ lệ 31,18% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 0,18% so với chỉ tiêu tại 01/NQ-CP). Tăng 910 nghìn người so với năm 2021.

Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 435.168 tỷ đồng (tăng 38.531 tỷ đồng (9.71%) so với năm 2021); Đạt 102,68% so với kế hoạch Chính phủ giao, vượt 11.354 tỷ đồng (Số TTCP giao là 423.813 tỷ đồng); Đạt 100,91% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao, vượt 3.916 tỷ đồng (Số BHXH Việt Nam giao là 431.252 tỷ đồng).

Đặc biệt, tại Nghị quyết số 317-NQ/BCSĐ ngày 21/10/2022, Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam đã quyết nghị và yêu cầu Lãnh đạo, cấp ủy các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm để giảm tỷ lệ số tiền chậm nộp/số phải thu xuống dưới mức 2,93%.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp thu và đôn đốc tiền chậm nộp, đến ngày 31/12/2022, số tiền chậm đóng là 12.988 tỷ đồng, chiếm 2,91% số phải thu, vượt chỉ tiêu tại Nghị quyết số 317-NQ/BCSĐ.) Đây là tỷ lệ số tiền chậm đóng/số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (Giảm từ 6% (năm 2016) xuống còn 2,91%).

Công tác thực hiện chính sách BHXH, BHTN luôn được giải quyết, chi trả đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của NLĐ, đặc biệt là trong bối cảnh công ăn, việc làm, thu nhập của người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tác động sau đại dịch Covid-19. Năm 2022 đã giải quyết cho 95.662 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 1.113.164 người hưởng trợ cấp 1 lần, trong đó 895.598 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần; giải quyết 10.920.098 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 977.607 người hưởng các chế độ BHTN; trong đó 957.511 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 20.096 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.

Công tác thực hiện chính sách BHYT:  Năm 2022, dịch bệnh Covid-19 được khống chế, việc KCB của người dân trở lại bình thường. Cả nước có khoảng 151,388 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT ngoại trú và điều trị nội trú, tăng trên 30 triệu lượt KCB so với năm 2021; Số chi KCB BHYT là trên 106.732 tỷ đồng tăng gần 20.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Công tác thanh tra, kiểm tra: Năm 2022, ngành BHXH Việt Nam chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 36.065 đơn vị (bằng 215% so với cùng kỳ năm 2021. Số tiền các đơn vị chậm đóng trước khi có quyết định TTKT là 3.298 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng là 3.068 tỷ đồng (bằng 93%), tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này (giúp giảm số tiền chậm đóng còn 12.988 tỷ đồng, chiếm 2,91% số phải thu).

Công tác cải cách TTHC luôn được chú trọng, đẩy mạnh; các TTHC thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm tối đa về quy trình, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, sửa đổi quy trình nghiệp vụ TTHC trên cơ sở kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở dữ liệu (CSDL) nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH.

Ngoài ra, xác định chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, bắt buộc để đổi mới căn bản phương thức hoạt động của Ngành, góp phần xây dựng thành công Chính phủ số; trên cơ sở nền tảng, hạ tầng CNTT sẵn có, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục tập trung, ưu tiên nguồn lực, quyết liệt, đẩy mạnh triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong từng lĩnh vực công tác của Ngành với mục tiêu là phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT. Với việc xây dựng, hoàn thiện kho CSDL hơn 98 triệu dân, là nền tảng CSDL Quốc gia về bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức.  Đến hết tháng 12/2022, hệ thống đã xác thực trên 71,2 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ gần 62,3 triệu lượt thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.

Song song với công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin thì công tác tuyên truyền là nhiệm vụ then chốt nhằm đưa chính sách BHXH, BHYT đi vào cuộc sống và đến được với mọi tầng lớp nhân dân lao động, do đó công tác tuyên truyền luôn được chú trọng, tăng cường, thường xuyên chủ động phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHTN với nhiều nội dung phong phú và hình thức đa dạng, phù hợp, sâu rộng đến từng nhóm đối tượng, đồng thời đã chú trọng nhiều đến các nhóm đối tượng chuyên biệt, đi vào chiều sâu, đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm, chú trọng nhất là hình thức đối thoại trực tiếp, tư vấn, giải đáp cho người lao động và người dân để kịp thời giải đáp thắc mắc của người dân về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHXH, BHYT, chú trọng tuyên truyền đến những đối tượng tiềm năng nhưng kết quả tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH còn hạn chế, tuyên truyền lưu động tại các khu đông dân cư, duy trì phối hợp với các cơ quan báo đài đăng tải, phát sóng các chuyên trang, chuyên mục về BHXH, BHYT, để công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT được tiến hành một cách đồng bộ hơn, khoa học hơn và bài bản hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì năm vừa qua công tác phát người tham gia BHXH, BHYT, BHTN còn gặp không ít khó khăn do những hậu quả của đại dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp chưa khôi phục sản xuất kinh doanh, giá nông sản sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, trong đó có hoạt động của Ngành BHXH Việt Nam là ngành tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội, cùng với đó là những thay đổi về cơ chế, chính sách (tăng mức đóng BHXH tự nguyện từ 01/01/2022). Tại một số địa phương, công tác phối hợp trong truyền thông chưa thật chặt chẽ, hiệu quả; các hoạt động tuyên truyền, vận động, phát triển người tham gia BHXH, BHYT hiệu quả chưa cao; chưa có những giải pháp sáng tạo, đột phá, hiệu quả để vận động, khai thác các nhóm đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT có xu hướng tăng trưởng chậm, số người tham gia BHXH tự nguyện dừng không tiếp tục tham gia có xu hướng tăng; nguyên nhân một phần là do thay đổi mức đóng BHXH tự nguyện trong năm 2022, cùng với đó là ảnh hưởng của dịch bệnh, mức giá sinh hoạt tăng cao cũng ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập của người dân. Tình trạng chi vượt trần, vượt dự toán, vượt tổng mức thanh toán vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở KCB; công tác tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT tại một số địa phương còn vướng mắc. Còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số địa phương ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT. Việc thu hồi số tiền hưởng BHXH, trợ cấp thất nghiệp sai quy định gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân phần lớn là do đối tượng hưởng sai không có thu nhập, không có khả năng hoàn trả.

Chính vì vậy trong thời gian tới, với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tập thể lãnh đạo, công c tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công, trên tinh thần tiếp tục nâng cao năng lực phẩm chất thực thi nhiệm vụ, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH, lấy mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là chỉ tiêu đánh giá chất lượng phục vụ. Tiếp tục áp dụng các giải pháp để duy trì và mở rộng diện bao phủ tham gia BHXH, bền bỉ hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân và BHXH cho mọi người lao động, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2023./.

Bích Vân