Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp trong công tác thanh tra đột xuất chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT

24/02/2023 09:11 AM


     Trong thời gian gần đây, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) ngày một phổ biến với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi dẫn đến người lao động bị xâm hại quyền và lợi ích chính đáng BHXH, BHTN, BHYT. Bên cạnh đó, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động mãnh mẽ của dịch bệnh, thiên tai. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội: Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, người lao động bị mất việc làm, công tác thanh tra, kiểm tra (TTKT) nhiều lần bị tạm hoãn để thực hiện phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ; Kế hoạch thanh tra, kiểm tra phải điều chỉnh nhiều lần theo chỉ thị của Chính phủ và theo định hướng của Lãnh đạo Ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương,...

     Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, trong năm qua, BHXH tỉnh Đắk Nông đã luôn bám sát chương trình, kế hoạch công tác của BHXH tỉnh và BHXH Việt Nam, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát để tránh chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra,…ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế để thực hiện điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra phù hợp với tình hình mới.

Ảnh minh họa

    Do đó, cùng với sự tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT, sự tăng cường quản lý nhà nước của các cấp chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần quan trọng trong phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, tăng thu, giảm nợ tại tỉnh Đắk Nông.

    1. Kết quả đạt được trong công tác thanh tra đột xuất

    Tính đến ngày 31/12/2022, BHXH tỉnh Đắk Nông đã thực hiện Thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất là 202 đơn vị, trong đó: thanh tra đột xuất tại 41 đơn vị sử dụng lao động (riêng thanh tra chuyên ngành đột xuất theo Công văn 2243/BHXH-TST được 22 đơn vị sử dụng lao động, 16 đơn vị phải bãi bỏ quyết định thanh tra do không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh), tham mưu văn bản đôn đốc nộp nợ BHXH, BHYT, BHTN đối với 93 đơn vị sử dụng lao động.

     Qua thống kê báo cáo từ Phòng Quản lý thu, tính đến hết tháng 12/2022 toàn tỉnh thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất theo Công văn số 236/BHXH-TST được 59 đơn vị. (trong đó: Phòng Thanh tra - Kiểm tra thực hiện 16 đơn vị, BHXH huyện Đắk Mil thực hiện 10 đơn vị, BXHH huyện Krông nô 07 đơn vị, BHXH huyện Đắk Glong 07 đơn vị, BHXH huyện Đắk R’Lấp 09 đơn vị, BHXH huyện Đắk Song 09 đơn vị, BHXH huyện Tuy Đức 01 đơn vị).

    Kết quả thanh tra chuyên ngành đột xuất: Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trước khi thanh tra là 2.894 triệu đồng, trong thời gian thanh tra đơn vị đã nộp BHXH, BHYT, BHTN số tiền 1.120 triệu đồng, thực hiện kết luận thanh tra đơn vị nộp BHXH, BHYT, BHTN số tiền 250 triệu đồng.

     Qua thanh tra có 09 đơn vị không nộp số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN nên đã bị đoàn thanh tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và Giám đốc BHXH tỉnh ban hành 09 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 257 triệu đồng, đến nay có 02 đơn vị đã nộp phạt với số tiền là 50 triệu đồng.

      2. Một khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra đột xuất

      Công tác thi hành pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT được BHXH tỉnh Đắk Nông chú trọng triển khai thì công tác thanh tra, kiểm tra được xem là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của toàn ngành. Hàng năm, BHXH tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kế hoạch thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất đối với các đơn vị sử dụng lao động nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT. Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2022, trong quá trình thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành đột xuất cũng gặp không ít khó khăn vướng mắc, cụ thể như sau:

     Một là, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra của BHXH tỉnh Đắk Nông được BHXH Việt Nam được giao năm 2022 là rất nặng nề. Ngoài thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch với 157 đơn vị (tăng 21,7% so với năm 2021) còn phải thực hiện thanh tra đột xuất theo Công văn số 326/BHXH-TST của BHXH Việt Nam với 82 đơn vị và đặc biệt là thanh tra đột xuất tất cả đơn vị nợ từ 03 tháng trở lên theo Công văn số 2243/BHXH-TST ngày 17/8/2022 về việc tăng cường đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, trong khi nhân lực làm công tác thanh tra - kiểm tra mỏng ( chỉ có 6 viên chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra - kiểm tra).

     Hai, việc thực hiện quy trình quản lý thu, đôn đốc nợ của một số đơn vị trực thuộc còn lơi lỏng, chưa thực hiện đúng quy định của ngành; công tác đôn đốc đối chiếu chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời; lập hồ sơ đề nghị thanh tra đột xuất còn chưa đầy đủ theo quy trình. Một số BHXH huyện tham mưu biên bản, kết luận thanh tra chưa chặt chẽ; nội dung giữa kết luận thanh tra với biên bản làm việc và các hồ sơ, chứng cứ kèm theo còn mâu thuẫn, chưa thống nhất.

     Một số đơn vị quản lý thu không đúng với tên trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập; đã thay đổi chủ doanh nghiệp, số điện thoại, địa chỉ liên hệ nhưng chưa được cập nhật vào hệ thống TST gây khó khăn cho công tác thanh tra. Nhiều đơn vị đã không còn hoạt động trên địa bàn hoặc đã giảm hết lao động nhưng vẫn phát sinh nợ và đề xuất thanh tra đột xuất (thực tế đã không còn nợ do không có lao động) dẫn đến các đơn vị phản ứng, không phối hợp.

     Ba, một số chủ doanh nghiệp còn chưa nhận thức được hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động là vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đơn vị được thanh tra đột xuất đôi khi còn cản trở, không hợp tác với đoàn thanh tra đột xuất. Một số đơn vị vi phạm nhưng không làm việc với đoàn thanh tra đột xuất (như có công văn xin hoãn thanh tra đột xuất với đủ các lý do giám đốc ốm, đi công tác, về quê… hoặc có làm việc nhưng ủy quyền cho cấp dưới), cung cấp thông tin không đầy đủ, kịp thời.

     Bốn, việc thực hiện kết quả xử lý sau thanh tra đột xuất còn chưa đạt hiệu quả cao. Một số đơn vị sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ kết luận thanh tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh, của Giám đốc BHXH tỉnh trong lĩnh vực đóng BHXH, BHTN, BHYT. Cá biệt, BHXH tỉnh đã có văn bản đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra 2 lần nhưng đơn vị vẫn không chấp hành.

      Năm, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN chưa đủ sức răn đe, trong tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận thanh tra chưa nghiêm, chưa kiên quyết dẫn đến một số đơn vị sử dụng lao động còn coi thường pháp luật, không chấp hành việc xử phạt, vẫn cố tình nợ đọng kéo dài qua nhiều năm làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động dẫn đến đơn thư kiến nghị, khiếu nại.

      Sáu là, việc thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa đạt hiệu quả. Số dư tài khoản của nhiều đơn vị thường không có số dư để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

     3. Một số giải pháp trong công tác thanh tra đột xuất

      Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, BHXH tỉnh Đắk Nông đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra đột xuất trong thời gian tới như sau:

     Thứ nhất, cần tăng cường công tác đôn đốc nộp nợ BHXH, BHTN, BHYT trước khi tiến hành thanh tra trực tiếp tại đơn vị sử dụng lao động, đây là một giải pháp hiệu quả để đơn vị nộp tiền nợ trước khi tiến hành các biện pháp tiếp theo. Cụ thể, trong những tháng cuối năm 2022, BHXH tỉnh đã trực tiếp gọi điện thoại cho 138 đơn vị nợ và BHXH tỉnh ban hành 93 công văn đôn đốc nộp nợ BHXH, BHTN, BHYT; kết quả có 74 đơn vị sử dụng lao động đã nộp hết nợ với số tiền 4,6 tỷ đồng và 15 đơn vị sử dụng lao động nộp một phần nợ với số tiền 857 triệu đồng.

      Với khối lượng công việc rất lớn trong khi nguồn nhân lực còn hạn chế thì  không thể tiến hành thanh tra trực tiếp tại tất cả đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT nên giải pháp này được coi là phù hợp và hữu hiệu trong thời gian qua và cho những năm tiếp theo; vừa giảm được tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT vừa nhận được sự đồng tình, phối hợp của đơn vị sử dụng lao động.

      Thứ hai, cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện cần tích cực tham mưu cho UBND cùng cấp thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; tham mưu phương án xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH trong đó tập trung xử lý các vi phạm về không đăng ký đóng BHXH, BHTN, BHYT, đóng không đầy đủ, nợ đọng quỹ BHXH, BHTN, BHYT.

     Chấn chỉnh thực hiện theo đúng quy trình nghiệp vụ quản lý thu, đôn đốc nợ và kỹ năng thu thập chứng cứ, biện pháp xử lý trong công tác thanh tra, kiểm tra. Tăng cường công tác rà soát, đối chiếu, đôn đốc trước khi đề nghị thanh tra đột xuất.

      Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác TTKT của ngành BHXH; tiếp tục hoàn thiện, đổi mới theo hướng sắp xếp lại đội ngũ cán bộ làm công tác TTKT, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ làm công tác thanh tra; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao kỹ năng và phương pháp làm việc của cán bộ làm công tác TTKT. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác TTKT có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi; trang bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác TTKT trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

      Thứ , tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ, thiết bị hiện đại vào phục vụ công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các quyết định sau TTKT, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, nâng cao hiệu lực của các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH.

     Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về BHXH tới mọi người dân, đặc biệt là đối với chủ sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp để các đối tượng này nắm được trách nhiệm và quyền lợi của chính mình khi thực hiện các quy định về BHXH, BHYT, BHTN, góp phần giảm thiểu được các vi phạm do không hiểu biết về quy định của pháp luật.

      Nâng cao nhận thức của các chủ thể về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thanh tra chuyên ngành và coi đây là nhiệm vụ phải được thực hiện thường xuyên. Quá trình thực hiện thanh tra phải bảo đảm tính nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật về BHXH, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Nghiêm cấm những hành vi lợi dụng việc thanh tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp, xâm hại đến lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

      Công tác thanh tra đột xuất chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT  có vai trò quan trọng trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, thông qua việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN của các tổ chức, cá nhân từ đó quyền và lợi ích chính đáng của người lao động được bảo vệ khi tham gia BHXH, BHTN, BHYT.

Lê Thị Nhàn - Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra