Mang chính sách BHYT đến với đồng bào dân tộc thiểu số
28/06/2024 04:28 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đắk Nông là một tỉnh miền núi, biên giới có 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh là 215 nghìn người, chiếm tỷ lệ là 32% dân số. Nhìn chung cuộc sống của đại đa số bà con đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh còn nhiều khó khăn, vất vả do đó từ khi không còn thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước cấp thẻ BHYT theo Quyết định 861/QĐ-TTg (trên toàn tỉnh Đắk Nông giảm gần 105 nghìn người dân không còn thuộc diện được cấp thẻ BHYT, trong đó dân tộc thiểu số là giảm gần 53 nghìn người). Số liệu trên cho thấy công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là những người không may bị bệnh nan y, mãn tính,... phải điều trị thường xuyên nhưng nay không còn được hỗ trợ thẻ BHYT từ ngân sách Nhà nước, trong khi đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, không có điều kiện tự mua thẻ BHYT.
Từ khi Nghị định 75/NĐ-CP ra đời, được xem là 1 cứu cánh cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số khi được Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí tham gia BHYT. Tại tỉnh Đắk Nông, với sự nỗ lực vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở trong công tác thông tin, truyền thông về chính sách BHYT, Nghị định 75/NĐ-CP để kịp thời thông tin chính sách đến với bà con, từ đó đã có hàng chục nghìn lượt bà con đồng bào trên toàn tỉnh đăng ký tham gia lại BHYT, góp phần mở rộng độ bao phủ BHYT của tỉnh nhà. Năm 2023, trên toàn tỉnh đã có 598.547 người dân tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 92,75%.
Hình ảnh: Viên chức ngành BHXH trực tiếp tuyên truyền, tư vấn chính sách BHYT đến với bà con ĐBDTTS
Tuy đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi như trên, nhưng đến nay ước tính vẫn còn khoảng 22 nghìn đồng bào chưa tham gia hoặc chưa gia hạn lại thẻ BHYT khi hết hạn. Với quyết tâm đưa tất cả đồng bào dân tộc thiểu số chưa tham gia BHYT vào mạng lưới an sinh xã hội để bà con đều được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe từ chiếc thẻ BHYT. Trong thời gian qua, BHXH tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tuyên truyền, vận động bà con đồng bào tham gia BHYT như là: phối hợp với UBND xã đẩy mạnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHYT tại các thôn, bon đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; mời thôn trưởng, bon trưởng đi trực tiếp vận động từng hộ gia đình chưa tham gia BHYT ; mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu, nhân viên thu tại những địa bàn đông bà con đồng bào sinh sống để bám sát, tư vấn, nhắc nhở bà con gia hạn thẻ BHYT kịp thời tránh gián đoạn; ngoài ra BHXH tỉnh phối hợp với UBMTTQ Việt Nam kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm để tặng thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh thực sự khó khăn trong đó chú trọng đến bà con là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn,….
Chị H’Lim, trú tại Bon Bu Sop, xã Đắk Nia cho biết: muốn tham gia lắm nhưng không có tiền, được biết nhà nước hỗ trợ thêm, tôi mừng lắm, hôm nay đi đăng ký đóng BHYT cho cả 5 người trong gia đình.
Anh Nông Văn Dương, dân tộc Tày cho biết: có thẻ BHYT yên tâm lắm, lỡ có đau ốm đi khám bệnh cũng tốn ít tiền, không có thẻ BHYT là có ốm đau cũng không dám đi bệnh viện.
Tặng thẻ BHYT đến với bà con đồng bào có hoàn cảnh khó khăn
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành BHXH và các cấp ngành, các ngành, sự nỗ lực, đoàn kết của tập thể cán bộ, viên chức ngành BHXH, trong thời gian tới sẽ càng ngày càng có nhiều thêm bà con đồng bào thấu hiểu và tự nguyện đăng ký tham gia BHYT để được thụ hưởng và chăm sóc sức khỏe từ chính sách do Đảng và Nhà nước ta triển khai từ đó góp phần ổn định chính trị và nâng cao an sinh xã hội của tỉnh nhà./.
Hoàng Ngân
Giải pháp hiệu quả để tăng độ bao phủ BHXH, BHYT ...
Cuộc thi viết về " Viết về BHXH, BHYT"
30 năm BHXH Việt Nam
Nội dung thông tin cung cấp trên trang thông tin điện tử ?.