Hưởng BHXH một lần- "lợi bất cập hại"
04/05/2020 08:05 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Lương hưu khi về già, là một quan niệm không còn xa lạ với người dân Việt Nam. Trên thực tế, vẫn còn nhiều người cho rằng đây không phải là một điều thực sự cần thiết và quá xa xôi. Thế nhưng, đây lại là một vấn đề cần phải dự trù, lo lắng ngay từ khi chúng ta còn sức lao động.
Trên thực tế vẫn có cả triệu người khi về già không có lương hưu, vẫn sống bình thường. Điều đó không sai, nhưng cuộc sống của họ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào người thân, con cái, từ chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện chi tiêu hàng ngày rồi chuyện đau, ốm…Tuy nhiên đó là đối với những người may mắn có con cái là chỗ dựa khi tuổi cao. Còn đối với những người khi về già, mất sức lao động lại sống neo đơn thì họ không biết dựa dẫm vào ai, trong khi không biết kiếm đâu ra tiền, cuộc sống thực sự trở nên bế tắc.
Trước đây, nhu cầu cuộc sống của người dân chỉ đơn giản là việc làm sao để có được bữa ăn hàng ngày, đây là chuyện có thể dễ dàng xoay sở được. Vì đa phần những nhu cầu tối thiểu ấy có thể được đảm bảo bởi khả năng tự cung tự cấp như hạt gạo, mớ rau, con cá… Tuy nhiên, ngày nay khi cuộc sống đã có phần sung túc hơn, nhu cầu người dân không còn phải quá lo lắng về cơm ăn, áo mặc nữa mà còn rất nhiều những rủi ro mang tính khách quan như thiên tai, dịch bệnh bất ngờ gặp phải trong cuộc sống.
Tất cả những vấn đề tiêu cực ấy đang có xu hướng ngày càng gia tăng, tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người. Trong bối cảnh ấy nếu chỉ ăn bữa nay, lo bữa mai, mà không tích luỹ, đầu tư thì chỉ cần “ốm to” một lần, mất mùa một vụ ... Khó khăn sẽ ập ngay đến đầu giường.
Nhiều người vẫn tâm niệm rằng “trẻ cậy cha, già cậy con”. Đó được coi là một trong những giá trị truyền thống của người Việt. Nhưng nay đời sống xã hội đã thay đổi. Con cái có thể chu cấp cho cha mẹ, nhưng không muốn sống chung. Người già cũng không muốn làm phiền con cháu. Mối quan hệ cộng đồng làng xã, dòng họ cũng khác xưa. Trong nhiều trường hợp, gia đình, cộng đồng không còn là chỗ dựa vững chắc nhất cho người già như trước nữa.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến là sự khác biệt ngày càng lớn trong quan niệm về giá trị sống, giá trị văn hóa, thậm chí đạo đức của người già và người trẻ. Giữa các thế hệ bây giờ dường như khó tìm được tiếng nói chung, niềm tin chung, dẫn đến thái độ ứng xử về cùng một sự việc có khi không giống nhau, có thể là không quan tâm, tệ hơn là xuất hiện những xung đột khó hòa giải.
Bởi thực tế con cái cũng đang phải vất vả, bươn trải để lo cho tổ ấm của riêng mình. Tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ, có thể vẫn nguyên vẹn theo đạo lý, nhưng họ vẫn phải chịu những áp lực về chi tiêu và những lo toan cho cuộc sống hàng ngày đó là chưa kể đến những rủi ro bất ngờ gặp phải đối với gia đình nhỏ của mình,… những vấn đề ấy đã vô tình cản trở việc báo hiếu với cha mẹ. Khi rơi vào tình cảnh mất khả năng lao động, không thu nhập, không BHYT, người già sẽ trở thành gánh nặng cho con, cháu mình là điều dễ thấy.
Người dân được chi trả lương hưu tại nhà
Thấu hiểu được điều này, Đảng và Nhà nước đã ban hành chính sách an sinh xã hội, đặc biệt trong đó chính sách về BHXH, BHYT là những chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và tính nhân đạo cao cả.
So với nhiều quốc gia trên thế giới, có thể khẳng định chính sách an sinh xã hội nói chung, trong đó bao gồm cả chính sách BHXH, BHYT ở Việt Nam đã thể hiện tính ưu việt đặc biệt của Chính phủ đối với quyền lợi an sinh của mọi tầng lớp, mọi độ tuổi nhân dân.
Với quy định về mức đóng, mức hưởng như hiện nay, người tham gia BHXH, BHYT đã được đảm bảo những quyền lợi hết sức cơ bản và ổn định. Đó là quyền lợi được hưởng Chế độ ốm đau, Chế độ thai sản, Chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, Chế độ hưu trí, Chế độ tử tuất, Chế độ Bảo hiểm thất nghiệp.
Không chỉ vậy, với người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 2 Chế độ là Hưu trí và Tử tuất…Đặc biệt, đối với người lao động khi tham gia BHXH , hoặc BHXH tự nguyện, tới khi đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được cấp Thẻ BHYT miễn phí. Đây là một lợi ích hết sức thiết thực và có giá trị vô cùng lớn đối với bản thân và gia đình người dân khi tham gia BHXH hoặc BHXH tự nguyện.
Thế nhưng, những ngày gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều người lao động, đặc biệt ở một số tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh…đã lựa chọn hưởng BHXH một lần. Đây là sự lựa chọn chưa thực sự thấu đáo.
Bởi giá trị của BHXH không hẳn nằm ở mặt kinh tế nhìn thấy khi hưởng một lần mà nó còn là những giá trị nhân văn được Nhà nước gửi gắm, như chế độ hưu trí và rất nhiều quyền lợi thiết thực khác. Có thể số tiền khi nhận chế độ BHXH một lần sẽ giải quyết được khó khăn trước mắt, thế nhưng kéo theo đó, người dân đã tự đưa mình lọt khỏi lưới an sinh mà Nhà nước đã dệt nên, tự đưa mình đến gần những thiệt thòi không thể bù đắp được.
Với việc nhận BHXH một lần, bản thân họ không chỉ nhận được số tiền ít hơn rất nhiều so với số tiền họ đã đóng mà khi muốn tham gia trở lại họ sẽ không được cộng nối thời gian, mọi việc sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Dẫn đến tình trạng khi hết tuổi lao động thì họ có thể vẫn chưa đủ thời gian tham gia để được hưởng lương hưu, hoặc nếu có được hưởng thì với mức rất thấp. Đó là chưa kể đến việc nếu không được hưởng chế độ hưu trí, thì cũng không được cấp thẻ BHYT miễn phí. Điều này sẽ đưa bản thân và gia đình tiệm cận với những thiệt hại vô cùng lớn.
Vì vậy, khi cân nhắc quyết định có nên hưởng BHXH một lần, người lao động cũng cần nghĩ đến gánh nặng cuộc đời mà họ dồn lên vai con cháu mình. Với những chia sẻ này mong rằng ai đó, trước khi quyết định hưởng BHXH một lần hãy suy nghĩ thật thấu đáo để có một sự lựa chọn hợp lý làm chỗ dựa khi về già.
https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/linh-vuc-bao-hiem-xa-hoi.aspx?ItemID=14805&CateID=168
Chi tiết >>