Trả lời câu hỏi ban đọc tháng 6-2016
08/07/2016 12:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Câu 1 : Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Nông nhận được thư của bạn ở địa chỉ mail: thu89bql@gmail.com hỏi về việc bạn tham gia BHXH từ tháng 3/2016 dự kiến sinh tháng 9/2016, mức đóng BHXH của bạn là 3.500.000 đồng. Bạn hỏi vậy khi sinh con bạn có được hưởng chế độ thai sản không? Nếu được thì mức hưởng chế độ thai sản là bao nhiêu? Vấn đề này Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông trả lời như sau: 1.Điều kiện hưởng chế độ thai sản Căn cứ theo Khoản 1 và khoản 2 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 quy định về điều kiện hưởng chế đô thai sản như sau: “1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Lao động nữ mang thai; b) Lao động nữ sinh con; c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. 2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi”. Theo quy định trên, thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi của bạn được tính từ tháng 09/2015 đến tháng 8/2016 trong thời gian này bạn phải đóng BHXH đủ 6 tháng (bạn đóng BHXH từ tháng 3/2016 đến hết tháng 8/2016) là đủ 6 tháng thì đến khi sinh con bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH. 1. Mức hưởng chế độ thai sản: Căn cứ theo điểm Khoản 1 Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 quy định về mức hưởng chế đô thai sản như sau: “a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội”; Vậy mức hưởng trợ cấp thai sản của bạn là: Mức trợ cấp thai sản của bạn là: 3.500.000 x 6 = 21.000.000 đồng Trợ cấp một lần khi sinh con bằng 2 tháng lương cơ sở tại thời điểm sinh theo điều 38 của Luật BHXH, bạn sinh con (9/2016) thì mức lương cơ sở để tính trợ cấp một lần khi sinh con là: 1.210.000 đồng. Mức trợ cấp 1 lần khi sinh con là: 2 x 1.210.000 = 2.420.000 đồng Tổng số tiền mà bạn được nhận khi sinh con là: 23.420.000 đồng do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả Câu 2 :Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Nông nhận được thư của bạn ở địa chỉ mail: khanh.hung.hung@gmail.com hỏi về việc bạn làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và tham gia BHXH được 2 năm hiện ay đã về cư trú tại Đắk Song- Đắk Nông thì bạn muốn làm thủ tục hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp và Bảo hiểm xã hộ tại tỉnh Đắk Nông được không? Nếu được thì làm ở địa chỉ nào? Vấn đề này Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông trả lời như sau: 1.Thủ tục hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp Căn cứ theo Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm quy định về hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau: “1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. 2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; b) Quyết định thôi việc; c) Quyết định sa thải; d) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; đ) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó. 3. Sổ bảo hiểm xã hội. Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động. Đối với người sử dụng lao động là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì trong thời hạn 30 ngày, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động”. Đề nghị bạn liên hệ với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Nông để được hướng dẫn hồ sơ và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. 2. Hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần: 1. Thủ tục hồ sơ hưởng BHXH một lần Căn cứ theo Điều 109 của Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 quy định hồ sơ hưởng BHXH một lần đối với trường hợp của bạn gồm những thủ tục như sau: 1. Sổ bảo hiểm xã hội. 2. Đơn đề nghị theo mẫu số 14-HSB (bản chính). Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đónng bảo hiểm xã hội thì bạn liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội của huyện nơi bạn đang cư trú để được hướng dẫn thủ tục nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định. Câu 3 :Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Nông nhận được thư của bạn ở địa chỉ mail: dangnghia2000@gmail.com hỏi về việc bạn đang công tác tại Quỹ cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế tỉnh Đắk Nông, bạn đã tham gia BHXH được 1 năm, bạn hỏi trường hợp lao động nam đóng BHXH có vợ sinh con (vợ không tham gia BHXH) thì lao động nam có được nhận trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở. Bạn hỏi trong trường hợp này BHXH tỉnh Đắk Nông có thanh toán khoản này không? Thủ tục thanh toán cần những giấy tờ gì? Vấn đề này Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông trả lời như sau: 1. Chế độ trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi Căn cứ theo Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 quy định về trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi như sau: “Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho”. Căn cứ theo quy định của Pháp luật về BHXH thì các chế độ BHXH của người lao động theo đúng quy định và đầy đủ thủ tục hồ sơ thì Cơ quan Bảo hiểm xã hội đều thanh toán theo đúng quy định của Luật BHXH. 2. Thủ tục hồ sơ hưởng chế độ thai sản Căn cứ theo Khoản 7 Điều 9 Quyết định 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành Quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội quy định về thủ tục hồ sơ trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi đối với trường hợp lao động nam có vợ sinh con (mà vợ không tham gia BHXH) thủ tục hồ sơ như sau: 1. Danh sách theo mẫu C70a-HD do người sử dụng lao động lập (bản chính). 2. Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con. Đề nghị bạn đầy đủ hồ sơ theo quy định trên gửi về cơ quan BHXH để được giải quyết theo quy định. Câu 4 : Về ý kiến của độc giả có địa chỉ Anh chị cho em hỏi thủ tục, hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu . ? Xin được trả lời như sau: I. Thủ tục, hồ sơ đối với tham gia BHXH bắt buộc: Theo quy định tại Điều 21 Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/09/2015 của BHXH Việt Nam ban hành Quy định quản lý thu BHXH, BHYT, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT thì đối với Đơn vị tham gia lần đầu, đơn vị di chuyển từ địa bàn tỉnh, thành phố khác đến: 1. Thành phần hồ sơ: 1.1. Người lao động: a) Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS); b) Đối với người được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: Giấy tờ chứng minh. 1.2. Đơn vị: a) Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin đơn vị tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS); b) Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu D02-TS); c) Bảng kê hồ sơ làm căn cứ hưởng quyền lợi BHYT cao hơn (Mục II Phụ lục 03). 2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ. II. Thủ tục, hồ sơ đối với tham gia BHXH tự nguyện: Theo quy định tại Điều 26 Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/09/2015 của BHXH Việt Nam ban hành Quy định quản lý thu BHXH, BHYT, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT thì đối với hồ sơ đăng ký, đăng ký lại, điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện: 1. Thành phần hồ sơ: 1.1. Người tham gia: Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS). 1.2. Đại lý thu/Cơ quan BHXH (trường hợp người tham gia đăng ký trực tiếp tại cơ quan BHXH): Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05-TS). Câu 5 : Về ý kiến của độc giả có địa chỉ maikt.dno@gmail.com Năm 2016, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động. Vậy cơ quan BHXH tỉnh cho tôi hỏi phụ cấp lương ở đây để đóng BHXH gồm những khoản gì? Có phụ cấp khu vực không? Vì năm 2015 không tính phụ cấp khu vực? Xin được trả lời như sau: Theo quy định tại Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được quy định như sau: 1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động (sau đây được viết là Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH). Phụ cấp lương theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự. 2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH. 3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động. Như vậy thì từ năm 2016 các khoản phụ cấp lương để đóng BHXH bao gồm: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự. Câu 6 :Thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về chế độ chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên xuất ngũ thôi việc. Năm 2011 Phòng chính sách của Phường có gửi tôi biểu mẫu kê khai nhận chế độ 62, nay tôi muốn trả lại số tiền đã nhận và trả tiền ở đâu, cơ quan nào nhận lại, thủ tục trả lại tiền gồm những giấy tờ gì, sau khi thủ tục trả tiền đã xong thì tôi có được cộng dồn những năm công tác trong Quân đội vào năm đóng BHXH không (tôi nhập ngũ 9/1982 đến tháng 4/1990 về phục viện, đến năm 1994 tôi làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, năm nay tôi 54 tuổi. Chân thành cảm ơn. Đỗ Tuấn Tường tuantuong64@gmail.com Trả lời: Với những thông tin trên BHXH tỉnh Đăk Nông trả lời như sau: Thứ nhất: Đối với vấn đề trả lại chế độ đã nhận theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. Căn cứ vào Công văn số 936/CQ-TT-CS-NC ngày 07/4/2015 của Ban chỉ đạo 24–Bộ Quốc phòng về việc thu hồi quyết định và số tiền trợ cấp đối với đối tượng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg để tính nối thời gian công tác. “Đối với các trường hợp đã có Quyết định trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần theo Quyết định 62/2011/ QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ nay có nguyện vọng được tính nối thời gian công tác trước đó với thời gian đóng BHXH bắt buộc sau này để hưởng BHXH theo qui định tại Nghị định 153/2013/NĐ-CP của chính phủ thì việc thu hồi quyết định, truy thu số tiền trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần đã nhận và qui trình tổ chức thực hiện được thực hiện tuơng tự như quy định tại Công văn số 2779/BQP-CT ngày 11/10/2011 và Công văn số 3313/BQP-CT ngày 24/11/2011 của Bộ quốc phòng về thu hồi quyết định và truy thu số tiền đã nhận”. Như vậy căn cứ vào Công văn trên thì đề nghị Ông liên hệ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh nơi Ông đang cư trú để được hướng dẫn làm thủ tục trả lại chế độ đã nhận theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. Thứ hai: Đối với vấn đề cộng nối thời gian công tác trong Quân đội. Theo quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 23 của Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. “2. Quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15 tháng 12 năm 1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (bao gồm cả người làm việc tại y tế xã, phường, thị trấn, giáo viên mầm non hoặc người giữ các chức danh ở xã, phường, thị trấn trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đã được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội) và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động mà không hưởng chế độ trợ cấp theo quy định dưới đây thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội: g) Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.” Đối chiếu với các quy định trên, nếu Ông chưa nhận chế độ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg thì thời gian tham gia Quân đội của Ông từ tháng 9/1982 đến tháng 4/1990 được cộng nối với thời gian công tác sau này để tính hưởng BHXH. Như vậy sau khi trả lại chế độ đã hưởng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, đề nghị Ông liên hệ BHXH tỉnh nơi Ông đang cư trú để được hướng dẫn làm thủ tục cộng nối thời gian Quân đội với thời gian công tác sau này.
Chi tiết >>