HÃY LÀ CHÍNH MÌNH; CHÂN THÀNH, TẬN TỤY
21/06/2024 03:04 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tạo hóa đã hình thành nên vạn vật quanh chúng ta trong đó có con người, sự độc đáo của tạo hóa đó là có sự phân công, nói khác hơn đã ấn định bản chất của mọi cá thể vạn vật đều có tính riêng biệt bên cạnh đó có mối quan hệ, tác động mật thiết qua lại với nhau để cùng tồn tại và phát triển cho riêng mình, đảm bảo sự cân bằng trong môi trường của sự sống mà tạo hóa đã tạo ra nó. Vạn vật tồn tại quanh chúng ta muôn hình, muôn vẻ từ lâu các ngành khoa học đã nghiên cứu hết sức công phu bằng nhiều luận chứng khoa học đã phân loại vạn vật thành các bộ phận để dễ bề nghiên cứu như: động vật; thực vật; loài, cây xanh; đất; đá; biển; núi; đồi vv... trong đó con người được coi là động vật bậc cao nhất so với mọi loại vật trên trái đất. Sự phân công của tạo hóa là sự tuân thủ tính chất và bản chất riêng biệt của từng vạn vật, không thể lẫn lộn bản chất của sự vật này vào sự vật kia được, đó là sự tuân thủ bất biến, nghiêm ngặt của vạn vật tồn tại xung quanh chúng ta mà tạo hóa đã tạo ra, bắt buộc chúng ta phải công nhận theo sự phát triển của vạn vật. Nếu có tác động khách quan hay chủ quan làm thay đổi hình thể ban đầu, hay bên trong của sự vật hay cá thể nào đó thì cá thể sự vật đó sẽ trở thành sự vật khác và sẽ mang bản chất khác, không còn với nguyên bản ban đầu của nó. Như một cây xanh đã bị chặt hạ sẽ trở thành gỗ, qua tay nghề của người thợ mộc gỗ sẽ trở thành bàn, ghế do đó bàn ghế không còn bản chất ban đầu của cây xanh nữa.
Sự ra đời của con người xuất phát từ tạo hóa, sự có mặt của con người là vô cùng tuyệt vời, có con người mới cảm nhận được sự vật hiện tượng, những hiểu biết về vạn vật đều được con người sắp xếp và thiết kế trên nền tảng trí tuệ của con người và khoa học. Vì vậy, có thể nói rằng sự ra đời của con người là một sự tất yếu của tạo hóa và là kết quả của sự tiến hóa, mỗi người được sinh ra đều có hình hài riêng, có anh, em dòng họ riêng, cá tính, bản chất đều khác nhau. Mỗi người đều có nguyện vọng, hoài bảo và cách sống riêng biệt, mỗi con người đều mong muốn có cuộc sống theo cách luôn tin vào khả năng của mình, với ngoại hình và bản chất riêng không so sánh với người khác có mục tiêu, kế hoạch, ước mơ và cố gắng giữ vững lập trường để đạt được mục tiêu đó, nên họ không bị tác động bởi ý kiến của người khác và có ý thức bảo vệ quan điểm riêng cho mình. Mỗi người chỉ có một cuộc đời, lý lẽ để sống, hãy sống theo cách của chính mình, bởi vì mỗi người đều có những đặc điểm, sứ mệnh, định hướng, ước mơ và mục tiêu riêng của mình. Hãy luôn tin tưởng vào bản thân, sống một cuộc đời trọn vẹn bằng cách trở thành chính mình. Lập trường hay chính kiến tồn tại thể hiện cá tính, bản chất của mỗi con người, nếu mỗi người tự tôn trọng cá tính, có lập trường, chính kiến rõ ràng thì sẽ thể hiện được bản chất của riêng cho mình thì người đó không thể bị tác động bởi yếu tố chủ quan hay khách quan làm sai lệch đi ý chí, bản chất và chính kiến của chính mình. Những người như vậy thì“mình mới là chính mình”. Trong cuộc sống xã hội việc mỗi người ra sức học tập để nâng cao trí tuệ, học tập điều hay lẽ phải để nâng cao đạo đức trở thành người tốt giúp ích cho xã hội là một việc được xã hội khuyến khích, điều đó không làm cho mình trở thành người khác mà làm cho “mình chính là mình” càng làm cho bản thân tự hoàn thiện, bản chất của mình càng tốt đẹp hơn. Ngược lại người không lo tu dưỡng đạo đức xã hội, không học tập điều hay lẽ phải học tập gương người tốt mà đi học tập những thói hư tật xấu, làm hại cho xã hội là tự đánh mất mình thì lúc đó thì “mình không phải là chính mình”. Xã hội ngày càng phát triển, đất nước ngày càng đổi mới cần những người có tư duy, học tập phấn đấu trở thành người tốt, trên nền tảng tự gột rửa bỏ đi thói hư tật xấu, tự xây dựng cho mình có một đạo đức trong sáng, hướng thiện, ra sức học tập làm những điều hay lẽ phải để giúp ích cho xã hội. Nhà văn Nam Cao với tác phẩm Chí phèo, phản ánh hiện thực xã hội đã chứng minh một con người này đã trở thành người khác. Tác phẩm Chí phèo của Nhà văn Nam Cao phản ánh một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước năm 1945, khiến một người phận nông dân làm ăn tử tế bị đưa tới con đường tha hóa. Tác phẩm đã lột tả xã hội thực dân phong kiến phá hủy cả thể xác và tâm hồn người nông dân Việt Nam đại diện là nhân vật Chí phèo, đồng thời khẳng định bản chất chân chính của họ là lương thiện, ngay trong khi họ bị chà đạp về cả nhân hình lẫn nhân tính. Bản chất Chí phèo được sinh ra vốn là một người nông dân tốt, cũng có nhiều ước mơ cho cuộc sống của mình, nhưng bị xã hội tước đi quyền làm người và bản thân cũng không tự vươn lên đấu tranh để mình tự đánh mất chính mình. Chủ đề “hãy là chính mình” được phản ánh dù trong văn chương hay ngoài xã hội đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hết sức thiết thực giáo dục mỗi người luôn hoàn thiện mình hãy sống và làm việc, lao động, học tập, làm người tốt để hướng đến chân, thiện, mỹ ... nên làm những điều hay lẽ phải tránh xa những việc làm không tốt, góp phần xây dựng một xã hội hiện đại, văn minh, tốt đẹp theo xu hướng chung của thời đại.
Ảnh minh họa: Hoạt động công vụ
Trong hoạt động công vụ không tách rời các mối quan hệ công tác giữa các cấp lãnh đạo, cấp tham mưu, cấp thừa hành nhiệm vụ. Mỗi công chức, viên chức, người lao động trong bộ máy Nhà nước đều phải thực hiện một nhiệm vụ chung là thừa hành nhiệm vụ đúng pháp luật, đã được Đảng; Nhà nước phân công. Để nhiệm vụ được hoàn thành thì con người là yếu tố không thể thiếu cho hoạt động công vụ, vì con người là trung tâm, quyết định sự thành công của mọi công việc, như vậy trong hoạt động công vụ rất cần đến sự chân thành và tận tụy của công chức, viên chức, người lao động. Sự chân thành mang nghĩa là đối xử với nhau một cách tôn trọng, kính trọng và hết lòng vì nhau, không gian dối hay có bất kỳ mưu cầu lợi ích riêng tư nào. Trong đó, “chân” biểu thị cho sự thật, không giả dối và “thành” tượng trưng cho tính thật thà và sự chân thành, sự tận tụy khi thực hiện nhiệm vụ được giao trước hết là sự trung thực, hết lòng hết sức với trách nhiệm với công việc được giao, tận tụy là tỏ ra không nề hà gian khổ, không ngại hy sinh, tuân thủ sự phân công của cấp trên và tôn trọng sự thừa hành nhiệm vụ của cấp dưới “tận tụy” là dốc hết sức, hết mình, trách nhiệm đối với công việc được giao. Sự chân thành và tận tụy trong mối quan hệ biện chứng trong hoạt động công vụ, nếu hoạt động công vụ được xuất phát từ con người “mình là chính mình” thì người đó sẽ có tinh thần đổi mới, ngay thẳng, sáng tạo, dám nghĩ đúng, dám nói đúng, dám làm đúng, dám chịu trách nhiệm. Nếu mỗi công chức, viên chức, người lao động đều nhận thức như vậy thì nhiệm vụ được giao sẽ trôi chảy, góp phần hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao dù là nhiệm vụ đó có khó khăn đến mấy và được thực hiện theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Nếu mình” không phải là chính mình” thì sẽ không có lập trường, chính kiến rõ ràng; nịnh hót cấp trên; coi thường cấp dưới; đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể; cậy vị thế, cậy ví trí công tác; cục bộ địa phương; bè phái; hùa theo; a dua theo những ý kiến và việc làm không đúng quy định vv... cùng các biểu hiện tiêu cực khác sẽ đi ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời có những hành động, lời nói và việc làm không đúng với quy định của pháp luật trong hoạt động công vụ là đi ngược lại với xu hướng chung của hoạt động công vụ hiện nay.
Trụ sở BHXH tỉnh Đắk Nông
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông đang thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp là những chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nhà. Người dân là đối tượng trung tâm để chúng ta phục vụ, nên cần lắm, quý lắm những con người ngày đêm chăm lo sự nghiệp an sinh với mục tiêu cao cả là thực hiện chủ trương, chính sách an sinh của Đảng, pháp luật của Nhà nước để phục vụ nhân dân. Tập thể công chức, viên chức, người lao động Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông rất nhiều vị trí đã tự thân, tự chính mình, bản lĩnh, không ngại khó khăn chân thành, tận tụy với công việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tiếp bước trên chặng đường đã đi qua đã gặt hái được nhiều thành quả trong nhiệm vụ được Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Thời gian tới tiếp tục phát huy những thành quả, vượt qua khó khăn phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2024, chúng ta ra sức học tập, trao dồi đạo đức công vụ, luôn tâm niệm với bản thân:“Hãy là chính mình; chân thành, tận tụy” đoàn kết một lòng, chia sẽ tình thương, chân thành, tận tụy thì mọi khó khăn gian khổ đều sẽ vượt qua, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu cao cả vì sự nghiệp an sinh xã hội đã được Đảng Và Nhà nước giao phó./.
Hồ Tấn Lộc
Tháng 6/2024
Chi tiết >>