Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ gắn với việc đi tìm "địa chỉ đỏ" và kết nghĩa Đồn Biên phòng
21/11/2024 03:26 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Cụ Hồ không chỉ nổi bật với những chiến công hiển hách trong các cuộc kháng chiến mà còn là hình mẫu về phẩm chất đạo đức cách mạng, về lòng yêu nước, trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân. Việc giáo dục truyền thống Bộ đội Cụ Hồ không chỉ giúp chiến sĩ hiểu rõ hơn về lịch sử, về những hy sinh, cống hiến của các thế hệ đi trước, mà còn là nền tảng để các cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, việc giáo dục chính trị tư tưởng còn góp phần tạo ra thế hệ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh vững vàng, chống lại mọi âm mưu "diễn biến hòa bình" từ các thế lực thù địch.
Một trong những hoạt động thiết thực trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng là "Đi tìm địa chỉ đỏ" – những di tích lịch sử, những dấu ấn của các cuộc kháng chiến anh hùng, nơi ghi dấu sự hy sinh, cống hiến của các chiến sĩ cách mạng.
Hàng năm, Ban chỉ huy quân sự BHXH tỉnh đều tổ chức các chuyến hành trình về nguồn đi tìm địa chỉ đỏ. Năm 2024, Ban Chỉ huy Quân sự và Tiểu Đội tự vệ Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông đã tham gia hành trình "Đi tìm địa chỉ đỏ" tại hai di tích lịch sử quan trọng: Khu di tích Quốc gia đặc biệt "Nhà Đày Buôn Mê Thuột" và "Đồi 722 – Đắk Sắk".
Ban chỉ huy quân sự BHXH tỉnh tổ chức các chuyến Hành trình về nguồn đi tìm địa chỉ đỏ
Khu di tích "Nhà Đày Buôn Mê Thuột" là một trong những địa điểm ghi dấu những đau thương nhưng cũng là nơi nở hoa của lòng kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Đây từng là nơi giam giữ những chiến sĩ cộng sản kiên trung, nơi chứng kiến những cuộc đấu tranh không khoan nhượng của các tù nhân chính trị, những người đã hy sinh vì lý tưởng cách mạng. Những câu chuyện về những người chiến sĩ bị đày đọa tại đây, nhưng không bao giờ quỳ gối trước kẻ thù, đã góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ, nhất là các chiến sĩ, lòng yêu nước sâu sắc, phẩm chất kiên trung và quyết tâm không ngừng đấu tranh vì lý tưởng tự do.
Di tích "Đồi 722 – Đắk Sắk" là một căn cứ biệt kích của chế độ Mỹ - Ngụy, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Các trận đánh ác liệt tại Đồi 722 là minh chứng cho lòng dũng cảm, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Chuyến đi đã giúp các cán bộ, chiến sĩ không chỉ hiểu sâu sắc về những chiến công vang dội của cha ông, mà còn cảm nhận được trách nhiệm và vinh dự khi khoác trên mình bộ quân phục của Bộ đội Cụ Hồ, tiếp nối truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần bất khuất trong bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài công tác giáo dục truyền thống qua các di tích lịch sử, việc kết nghĩa giữa đồn biên phòng Đắk M’bai, huyện Đắk Mil với Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông là một hoạt động thiết thực, góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa quân đội và nhân dân. Trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông đã thường xuyên tổ chức các chuyến thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sĩ tại Đồn Biên phòng Đắk M’Bai. Những chuyến thăm này không chỉ là dịp để công chức, viên chức của BHXH tỉnh thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, mà còn là cơ hội để học hỏi, giao lưu và góp phần giáo dục chính trị tư tưởng, củng cố niềm tin của công chức, viên chức, người lao động vào Đảng, Nhà nước và Quân đội Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, gắn với việc đi tìm "địa chỉ đỏ" và kết nghĩa đồn biên phòng, là một phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, chiến sĩ. Những hoạt động này không chỉ giúp chúng ta tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc mà còn tiếp thêm động lực để tiếp tục phấn đấu, bảo vệ Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh./.
Nguyễn Nga
Chi tiết >>