Chính sách BHXH - Lợi ích thiết thực, tính ưu việt, an toàn và đáng tin cậy
11/09/2021 10:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là một chuyên gia lâu năm về chính sách BHXH và hiện đang hưởng lương hưu, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi đã có cuộc trao đổi với PV Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam về những lợi ích, ưu việt, sự an toàn và đáng tin cậy của chính sách BHXH.
Chuyên gia Đặng Như Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
PV: Chính sách BHXH ngày càng được người lao động quan tâm, thể hiện qua diện bao phủ tăng nhanh qua các năm. Ông có thể cho biết sơ lược về chính sách BHXH và những lợi ích của nó với người tham gia?
- Ông Đặng Như Lợi:
BHXH luôn là chính sách cốt lõi của hệ thống chính sách an sinh xã hội của bất kỳ quốc gia, hệ thống xã hội nào. BHXH đã ra đời từ thế kỷ 19 tại Đức và phát triển hàng trăm năm nay với nhiều mô hình, nhiều cách thức thực hiện khác nhau trên toàn thế giới. Để có được các mô hình BHXH đa dạng và phong phú như ngày nay, các nhà lý luận, quản lý đã tốn khá nhiều công sức và thời gian để nghiên cứu và tổng kết thực tiễn.
Ở Việt Nam, sau Cách mạng tháng 8, trên cơ sở Hiến pháp năm 1946, Chính phủ đã ban hành một loạt các sắc lệnh quy định về các chế độ trợ cấp ốm đau, tai nạn, hưu trí cho công nhân viên chức Nhà nước. Cơ sở pháp lý tiếp theo của BHXH được thể hiện trong Hiến pháp năm 1959, thừa nhận công nhân viên chức có quyền được trợ cấp BHXH.
Từ năm 1986, Việt Nam tiến hành cải cách kinh tế kéo theo những đòi hỏi trong thay đổi về chính sách xã hội nói chung và chính sách BHXH nói riêng. Hiến pháp năm 1992 đã nêu: “Nhà nước thực hiện chế độ BHXH đối với công chức nhà nước và người làm công ăn lương, khuyến khích phát triển các hình thức BHXH khác đối với người lao động”.
Sau đó, các văn kiện Đại hội Đảng cũng xác định, đổi mới chính sách BHXH nước ta theo cơ chế thị trường, ngày càng mở rộng đối tượng tham gia BHXH và mở rộng các cơ chế thực hiện (bắt buộc và tự nguyện). Gần đây nhất, Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đặt ra mục tiêu: “Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững”.
Hiện nay, tham gia BHXH người lao động ở nước ta được hưởng rất nhiều quyền lợi gồm: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Những quyền lợi đó càng được nhân lên, đảm bảo hơn khi số tiền đóng góp vào quỹ BHXH của người lao động có một phần lớn của đơn vị sử dụng lao động và mức đóng, mức hưởng đều được điều chỉnh tăng tương ứng với chỉ số giá tiêu dùng từng năm (CPI) theo quy định của Chính phủ được công bố tại năm mà người tham gia hưởng chế độ. Có nghĩa là số tiền người lao động đóng vào quỹ BHXH sẽ luôn được bảo toàn và tăng trưởng về giá trị. Do đó, lương hưu nhận từ BHXH luôn là nguồn thu nhập cơ bản, quan trọng với mọi người cao tuổi ở mọi quốc gia. Ngay cả ở những nước phát triển, tồn tại hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực bảo hiểm thương mại, bảo hiểm nhân thọ thì chính sách BHXH vẫn được các quốc gia duy trì một cách bền vững và đặc biệt coi trọng.
PV: Một vấn đề mà người lao động rất quan tâm là quỹ BHXH được vận hành, quản lý như thế nào và mức độ bảo đảm, an toàn của nguồn quỹ này như thế nào thưa ông?
Những thông tin tôi nêu trên mang tính lý luận, lịch sử hơi khô khan với nhiều người nhưng tôi muốn sơ lược như thế để khẳng định, chính sách BHXH là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước bảo đảm mọi công dân có quyền được hưởng an sinh xã hội. BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận. Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, nghĩa là không bị phá sản. Luật BHXH quy định rõ, Nhà nước có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ BHXH. Do đó, nếu quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối, thì Nhà nước sẽ có giải pháp cân đối. Vì vậy, khả năng an toàn quỹ luôn luôn nằm trong tầm kiểm soát.
BHXH là chính sách ưu việt, quyền lợi người tham gia luôn được bảo đảm trong mọi trường hợp (Ảnh minh họa)
Về quản lý quỹ BHXH, các quy định pháp luật cũng quy định cụ thể: hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH; quản lý và sử dụng các quỹ BHXH. Định kỳ 3 năm, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán quỹ BHXH và báo cáo kết quả với Quốc hội. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc vụ và Chính phủ, quỹ BHXH còn được kiểm toán đột xuất. Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng định kỳ báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng quỹ với Bộ LĐ-TB&XH, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam... Những điều đó cho thấy quỹ BHXH luôn được quản lý chặt chẽ, minh bạch.
Trong vận hành quỹ BHXH, công tác chi trả các chế độ cho người tham gia luôn được bảo đảm và tăng theo từng năm. Hiện, bình quân mỗi tháng có khoảng 3 triệu người được cơ quan BHXH chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng với số tiền chi trả hàng ngàn tỉ đồng.
Thời gian qua, công tác đầu tư quỹ BHXH được BHXH Việt Nam thực hiện an toàn, hiệu quả, đúng quy định. Danh mục đầu tư thực hiện đúng quy định tại Luật BHXH với những hình thức đầu tư an toàn, ít rủi ro. Hiện nay, Quỹ BHXH đã trở thành quỹ tài chính công có quy mô hàng đầu Việt Nam.
Qua các cuộc giám sát hằng năm của Quốc hội cho thấy, công tác quản lý, sử dụng, đầu tư quỹ BHXH luôn đảm bảo đúng quy định. Nguồn quỹ BHXH được bảo toàn giá trị và phát triển. Quy mô quỹ và tổng tài sản kết dư hằng năm tăng nhanh, lợi nhuận từ đầu tư luôn tăng trưởng dương.
PV: Với tư cách một chuyên gia và cũng là người đã có những trải nghiệm về quá trình tham gia và đang thụ hưởng những lợi ích từ chính sách BHXH, ông có lời khuyên gì cho người dân, người lao động trong quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH?
Từ những lợi ích, sự bảo đảm, an toàn của chính sách BHXH, tôi mong rằng người lao động và người dân hãy luôn tin tưởng và lựa chọn tham gia chính sách này.
Hiện nay, vẫn còn một bộ phận người lao động chưa hiểu hoặc chưa quan tâm thỏa đáng đến quyền lợi tham gia BHXH của mình. Một số người còn muốn doanh nghiệp không tham gia BHXH để được nhận thêm vài trăm nghìn đồng mà không biết rằng số tiền mình mất đi lớn hơn rất nhiều cả hiện tại và trong tương lai.
BHXH đem lại cho người lao động những ích mà không có khoản tiết kiệm nào có thể so sánh được. Thử làm một phép tính đơn giản, hiện mức đóng BHXH hiện tại là 25,5% mức thu nhập hằng tháng của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17,5%. Ví dụ, nếu thu nhập của người lao động là 5 triệu/tháng thì quỹ BHXH thu được 1.275.00 đồng. Trong đó, người lao động đóng 400.000 đồng (31% tổng quỹ), người sử dụng lao động đóng 875.000 đồng (69% tổng quỹ). Nhiều người nghĩ rằng nếu không tham gia BHXH thì 875.000 đồng kia doanh nghiệp sẽ trả vào lương hay một khoản nào đó cho mình nhưng thực tế hầu hết số tiền đó người lao động không được nhận.
Vì vậy, khi tham gia BHXH với việc bỏ ra số tiền 8% thu nhập hằng tháng (31% tổng quỹ), người lao động được hưởng tất cả (100%) lợi ích từ nguồn quỹ này bao gồm các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Và chỉ tính riêng mức lương hưu tối đa, người lao động nhận được với mức thu nhập đóng 5 triệu đồng/tháng là 3.750.000 đồng/tháng cũng đã lớn hơn rất nhiều số tiền mà người lao động phải bỏ ra là 400.000 đồng/tháng. Do đó, làm bất cứ công việc nào, người lao động cũng nên yêu cầu chủ sử dụng lao động tham gia BHXH vì đây quyền cơ bản của người lao động mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải tuân thủ khi ký hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên.
Bên cạnh đó, là người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH hàng chục năm qua, tôi nhận thấy việc triển khai, thực hiện chính sách này của Nhà nước, đặc biệt là BHXH Việt Nam đã ngày càng được cải tiến, hiện đại. Hiện, tôi nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng rất thuận tiện, nhanh chóng và chính xác. Các dịch vụ khác cũng có thể thực hiện trực tuyến, qua internet, điện thoại di động tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho người tham gia và thụ hưởng./.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
PV
Chi tiết >>