Cần quản lý tốt Quỹ bảo hiểm xã hội

23/05/2022 09:43 AM


Bảo hiểm xã hội(BHXH) là một chính sách xã hội trụ cột của hệ thống an sinh xã hội(ASXH) của mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam chính sách BHXH đã được Đảng và Nhà nước thường xuyên quan tâm lãnh đạo và coi trọng, từng bước điều chỉnh để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước.

Chính sách BHXH trước năm 1995 được quản lý bởi hai ngành là Bộ Lao động -Thương binh và xã hội (gọi chung là Bộ Lao động); Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (gọi chung là Tổng Liên đoàn). Bộ Lao động quản lý đối tượng và chi các chế độ BHXH: Hưu trí, tử tuất; Tổng Liên đoàn quản lý và chi các chế độ BHXH: Thai sản, ốm đau nguồn quỹ để chi các chế độ BHXH đều do ngân sách nhà nước đảm bảo, không hạch toán theo quỹ BHXH thành phần. Đến năm 1995 Chính phủ ban hành Nghị định số 19/CP ngày 16/02/1995 về việc thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên cơ sở xác nhập hai hệ thống quản lý BHXH từ Bộ Lao động và Tổng Liên đoàn. Từ thời điểm này quỹ BHXH được hạch toán theo quỹ BHXH thành phần và độc lập với ngân sách Nhà nước. Những người hưởng chế độ BHXH trước 01/01/1995 được ngân sách Nhà nước đảm bảo; những người hưởng chế độ BHXH sau 01/01/1995 được quỹ BHXH đảm bảo. Thực tiễn cho thấy qua 27 năm quỹ BHXH được đảm bảo, ổn định thực hiện tốt chức năng chi trả các chế độ BHXH cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) cho đất nước.

Để thực hiện tốt, bền vững chính sách BHXH cần có nguồn lực tài chính đủ mạnh, có tính ổn định lâu dài đó là quỹ BHXH phải được quản lý chặt chẽ, hiệu quả đảm bảo nguồn chi kịp thời đầy đủ cho người hưởng các chế độ BHXH, công tác quản lý quỹ BHXH hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng của ngành BHXH. Quỹ BHXH ngày càng được chi nhiều hơn do hiện tượng già hóa dân số, theo đó số người hưởng chế độ BHXH có tuổi thọ bình quân cao hơn do đó việc chi trả BHXH cho người hưởng lương hưu sẽ kéo dài ra theo tuổi thọ của họ.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một bộ phận người lao động và đơn vị sử dụng lao động  lách luật để được hưởng quỹ BHXH; số người hưởng BHXH do ngân sách đảm bảo ngày một giảm đi; số người ra khỏi khu vực BHXH do hưởng chế độ BHXH một lần ngày càng nhiều. Thời gian qua Nhà nước đã thực hiện thay đổi, bổ sung, điều chỉnh chính sách BHXH từng bước phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề còn phải bàn. Những bất cập trong việc quản lý quỹ BHXH là những vấn đề là làm sao hoàn thiện công tác quản lý quỹ BHXH một cách hiệu quả, để khắc phục tình trạng này đòi hỏi việc hoạch định chính sách pháp luật về BHXH cần sát với thực tế hơn, để vừa đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, đồng thời cũng đảm bảo được ổn định lâu dài của quỹ BHXH, góp phần phát phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng quá trình hội nhập và đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hiện nay, công tác quản lý quỹ BHXH là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành BHXH, để công tác quản lý quỹ BHXH đạt hiệu quả cao đòi hỏi phải có chính sách phù hợp, các quy định quản lý thu BHXH chặt chẽ, hợp lý, khoa học. Thực tế trong quá trình tổ chức quản lý quỹ  BHXH thường xuyên được đổi mới, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn còn tồn tại nhiều điểm cần hoàn thiện trong công tác quản lý quỹ BHXH. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện chính sách ASXH, trong đó có chính sách BHXH bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đã tích cực triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, chính sách BHXH, bao gồm các chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã từng bước được hoàn thiện phù hợp với thực tế đất nước và thông lệ quốc tế. Chính sách BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống ASXH, là sự bảo đảm thay thế, hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống.

Ảnh minh họa: Viên chức ngành BHXH tư vấn, vận động người dân tham gia BHXH

Từ thực tiễn công tác quản lý quỹ BHXH, mục tiêu của quỹ BHXH là thực hiện nhiệm vụ ASXH cho người lao động đã tham gia BHXH không may bị ốm đau, tai nạn lao động, bênh nghề nghiệp và hết tuổi lao động về nghĩ hưu, tử tuất. BHXH là một quỹ tài chính độc lập, tập trung nằm ngoài ngân sách Nhà nước, quỹ BHXH được dùng để chi trả trợ cấp cho các đối tượng hưởng BHXH, quỹ BHXH là tập hợp đóng góp bằng tiền của các bên tham gia BHXH,  quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ và bù thiếu. Quỹ BHXH được quản lý theo cơ chế cân bằng thu chi do đó quỹ BHXH không đơn thuần ở trạng thái tĩnh mà luôn có sự biến động theo chiều hướng tăng lên hoặc thâm hụt. Quỹ BHXH bao gồm các quỹ thành phần sau: quỹ ốm đau và thai sản; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quỹ hưu trí và tử tuất. Do dó quản lý quỹ BHXH là bao gồm quản lý công tác huy động quỹ BHXH (thu BHXH) và quản lý công tác chi quỹ BHXH (chi quỹ BHXH), nhằm đảm bảo cho quỹ được an toàn là thu đúng, thu đủ; chi đúng, chi đủ cho đối tượng thụ hưởng BHXH có kết dư để đầu tư và tăng trưởng và hạn chế tối đa sự thất thoát quỹ BHXH. Mục tiêu tăng trưởng quỹ BHXH là xây dựng chiến lược tăng trưởng quỹ BHXH thông qua các hoạt động đầu tư, tham gia vào thị trường tài chính của quốc gia, đây là một trong những chức năng quan trọng của BHXH Việt Nam, bởi lẽ các quá trình thu và chi BHXH không diễn ra song trùng và thông thường sự tồn tích của quỹ BHXH khá lớn. Để thời gian tới quỹ BHXH được đảm bảo ổn định lâu dài cần thực hiện tốt các nội dung sau:

- Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/05/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, các quy định của pháp luật BHXH (Luật BHXH) hiện nay. Chính BHXH cần được sớm đổi mới đúng theo định hướng của Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách theo hướng đảm bảo ổn định lâu dài quỹ BHXH và đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHXH.

- Trong thời gian tới, Ngành BHXH trên cơ sở chính sách pháp luật BHXH của Nhà nước, xây dựng chiến lược phát triển người tham gia BHXH, tăng nhanh diện bao phủ BHXH, giảm tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH để huy động tối đa nguồn quỹ BHXH trong dân cư và các thành phần kinh tế vào quỹ BHXH.

- Quản lý đối tượng hưởng BHXH chặt chẽ đảm bảo chi hưởng chế độ BHXH đúng người, đúng đối tượng kịp thời ngăn chặn những hiện tượng lợi dụng chính sách BHXH để trục lợi quỹ BHXH dưới mọi hình thức.

- Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về BHXH cho mọi tầng lớp nhân dân, để người dân hiểu rõ lợi ích của chính sách BHXH để tham gia BHXH, góp phần đảm bảo cuộc sống cho họ khi già yếu, không có thu nhập.

- Lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố tham mưu, kiến nghị với Đoàn Đại biểu Quốc hội để có ý kiến khi sửa đổi Luật BHXH trong nhiệm kỳ Quốc hội theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, xong cũng đảm bảo vấn đề an toàn quỹ BHXH trong dài hạn, tránh tình trạng lợi dụng trục lợi quỹ BHXH.

Công tác quản lý quỹ BHXH hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng đối với Ngành BHXH, để thực hiện tốt công tác quản lý quỹ BHXH hiệu quả, đảm bảo ổn định lâu dài để chi trả các chế độ BHXH cho người tham gia BHXH đòi hỏi trước tiên là cơ chế pháp lý quy định về đối tượng, mức đóng, mức hưởng, thời gian hưởng và điều kiện được hưởng BHXH hợp lý và khoa học, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu sâu về chính sách BHXH các nhà hoạch định chiến lược chính sách BHXH có tầm nhìn vĩ mô phù hợp với thực tiễn điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của đất nước mới đảm bảo cho quỹ BHXH được ổn định, lâu dài góp phần thực hiện tốt chính sách ASXH của đất nước.

Hồ Tấn Lộc