Xây dựng Chính phủ điện tử: Những bước tiến đột phá

09/07/2019 07:34 AM


Văn phòng Chính phủ vừa có báo cáo về tình hình triển khai, kết quả thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, đến quý II/2019, việc thực hiện Nghị quyết này đã có những bước tiến đột phá quan trọng.

 

Hoàn thiện khung pháp lý, chuyển biến về nhận thức

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Hiện nay, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã có những bước tiến đột phá quan trọng, đặc biệt là chuyển biến trong nhận thức về Chính phủ điện tử và quá trình triển khai hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, thành lập các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tại các bộ, ngành, địa phương và xác định những nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết 17/NQ-CP được các tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá là đúng hướng, phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới hiện nay.

Với sự vào cuộc, nỗ lực từ Trung ương đến địa phương, hỗ trợ của quốc tế, sau 3 tháng triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP đã hoàn thành được 7/83 nhiệm vụ cụ thể, đạt được một số kết quả tích cực như: Từng bước hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử; cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin dần được tháo gỡ; các hệ thống thông tin quan trọng được nghiên cứu, xây dựng khẩn trương. Đến nay, đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử như: Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ. Các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đang được thực hiện. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh được nhận thức đẩy đủ hơn và đã có những cải thiện tích cực. Theo công bố chưa chính thức cuối tháng 3 năm 2019 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), năm 2018, Việt Nam xếp hạng thứ 50/193 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá về chỉ số an toàn, an ninh thông tin (tăng 50 bậc so với năm 2017)…

 

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH

Theo báo cáo, hiện nay, các bộ ngành đang tập trung, ưu tiên hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngành BHXH là một trong bộ, ngành tham gia vào nhiệm vụ này. Văn phòng Chính phủ đánh giá: Thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã tập trung số hóa toàn bộ dữ liệu của Ngành tại trung ương, tiến hành rà soát, đồng bộ, cấp mã định danh cho toàn bộ người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tính đến hết tháng 5/2019, Cơ sở dữ liệu của BHXH Việt Nam đang quản lý 14,4 triệu người tham gia

BHXH bắt buộc và 363.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 12,87 triệu người

tham gia BH thất nghiệp; 84,48 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số. Đây là nguồn dữ liệu thành phần cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm để phục vụ việc chia sẻ, kết nối với các Bộ, ngành, đơn vị trong tương lai.

Ngoài Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, hiện, các cơ sở dữ liệu quốc gia khác đã và đang được triển khai, hoàn thiện như: Cơ sở dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư (Bộ Công an); Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Cơ sở dữ liệu về Tài chính (Bộ Tài chính). Một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng đang hoàn thiện gồm: Quản lý thuế, quản lý kho bạc, quản lý hải quan…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Văn phòng Chính phủ đánh giá, việc triển khai Chính phủ điện tử vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số nhiệm vụ triển khai chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiến độ xây dựng một số cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin còn chậm hoặc gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí thực hiện. Việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ tại một số địa phương. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đã được cơ quan, tổ chức quan tâm nhưng kết quả còn hạn chế…

Vì vậy, để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử hiệu quả, Văn phòng Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nội dung trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2019.

Trong đó, yêu cầu các bộ ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số cá nhân để phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai, chất lượng công việc.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử tiếp tục đôn đốc các bộ,ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP. Xây dựng Đề án về Bộ chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả (KPI) và Khung theo dõi, đánh giá

(M&E) cho xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2025 để theo dõi, đánh giá hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết này một cách thực chất, khách quan và giúp xác định các vấn đề có thể xảy ra trong quá trình thực thi…