Đoàn viên, thanh niên Chi đoàn BHXH tỉnh xung kích đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và công tác Đoàn thanh niên trong đơn vị
06/10/2022 10:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong 3 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm thực hiện mục tiêu kép “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19” và “phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong trạng thái bình thường mới”, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia đứng đầu thế giới, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số.
Bên cạnh Nghị quyết số 52 nói trên ra thì có một số văn bản như: Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Mới đây là Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030.
Như vậy câu chuyện chuyển đổi số không phải mới và nó đã được đặt lên bàn nghị sự từ lâu. Chúng ta đang đứng trước những thách thức, cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà cốt lõi của nó chính là chuyển đổi số.
Ảnh minh họa
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Ngành BHXH Việt Nam nói chung và BHXH tỉnh Đắk Nông nói riêng đã chủ động và nỗ lực đổi mới, chuyển mình mạnh mẽ, đã triển khai chuyển đổi số tương đối toàn diện, thông suốt theo mô hình tập trung từ Trung ương xuống địa phương. Các hoạt động nghiệp vụ của ngành cũng như tương tác với người dân và đơn vị sử dụng lao động đều dựa trên nền tảng dữ liệu. BHXH Việt Nam đã kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh và hơn 500 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc. Đã triển khai cung cấp dịch vụ công (DVC) mức độ 4 cho 100% thủ tục hành chính của Ngành trên Cổng DVC BHXH Việt Nam và Cổng DVC Quốc gia. Năm 2021, Hệ thống Giao dịch BHXH điện tử tiếp nhận và xử lý trên 220 triệu lượt hồ sơ, 6 tháng đầu năm 2022 ngành BHXH Đắk Nông đã tiếp nhận và xử lý 33.945 lượt hồ sơ điện tử, chiếm tỷ lệ 77,5%, hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có 94% đơn vị sử dụng lao động đã Đăng ký và thực hiện BHXH điện tử.
Ngay khi CSDL quốc gia về dân cư được công bố triển khai, BHXH Việt là đơn vị đầu tiên được Bộ Công An lựa chọn để thực hiện kết nối, chia sẻ. Là Ngành phục vụ trên 90% dân số tham gia BHXH, BHYT, BHTN và giao dịch điện tử hàng năm đạt trên 220 triệu hồ sơ, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi số, giảm thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chống gian lận và trục lợi BHXH, BHYT. Một số nội dung đã triển khai và kết quả đạt được là:
BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công An thực hiện chia sẻ khoảng 33 triệu lượt thông tin công dân có trong CSDL quốc gia về Bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư để xác thực. Đây là cơ sở quan trọng để BHXH Việt Nam tiếp tục chuẩn xác, hoàn thiện, làm giàu thêm thông tin cho CSDL quốc gia về bảo hiểm.
BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp với Bộ Công An triển khai việc xác thực tự động thông tin công dân từ CSDL quốc gia về dân cư khi công dân đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam và trên ứng dụng VssID - BHXH số với hơn 6 triệu lượt đăng ký được xác thực. Việc xác thực tự động thông tin từ CSDL quốc gia về dân cư đã hỗ trợ quan trọng ứng dụng trên thiết bị di động VssID - Bảo hiểm xã hội số hiện nay với gần 30 triệu lượt tải, cài đặt, sử dụng.
Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 từ quỹ BH thất nghiệp, nhờ việc xác thực tự động thông tin người lao động với CSDL quốc gia về dân cư và dữ liệu tài khoản của các ngân hàng, Ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện xác thực thông tin rất nhanh và chính xác, đảm bảo chi trả hỗ trợ kịp thời, chính xác cho người lao động trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19.
Nhằm hỗ trợ công dân giảm thủ tục giấy tờ khi đi khám chữa bệnh, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Công An và Bộ Y tế để triển khai sử dụng thẻ CCCD gắn chip để đi khám chữa bệnh BHYT thay cho thẻ BHYT giấy.
Một số sáng kiến của chính các bạn Đoàn viên, thanh niên của Chi đoàn BHXH đã được đưa vào áp dụng trong công tác chuyên môn nghiệp vụ và công tác Đoàn như sau:
- 100% hồ sơ, mẫu biểu của cơ quan BHXH đều được ký số và tự động gửi về mail đơn vị, không phát hành hồ sơ, giấy tờ giấy gửi về đơn vị như trước đây.
- Hiện nay 100% công chức, viên chức BHXH tỉnh Đắk Nông được cung cấp chứng thư số nên các hồ sơ công việc như: Phiếu trình, Giấy đề xuất, Phiếu điều chỉnh... đều được ký số, hạn chế đến mức thấp nhất việc in giấy.
- Thực hiện cấp lại thẻ BHYT do mất hỏng, thay đổi thông tin của đối tượng chỉ tham gia BHYT không phân biệt địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Nông;
- Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 khi người dân phải đảm bảo giãn cách xã hội theo quy định của Chính phủ, UBND tỉnh nhưng chẳng may mất, hỏng thẻ BHYT thì cơ quan Đắk Nông đã sử dụng mạng xã hội Zalo để tiếp nhận thông tin của người dân, thực hiện cấp lại và chuyển phát về tận nhà qua dịch vụ bưu chính công ích.
- Hiện các văn bản như Báo cáo, Công văn... của Chi đoàn BHXH tỉnh đều được ký số.
Nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong thời gian tới, Chi đoàn BHXH tỉnh đề xuất một số giải pháp như sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân đối với công tác chuyển đổi số; đồng thời, nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin cho người dân khi tham gia chuyển đổi số. Gắn với đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, đảm bảo sự đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị trong cùng địa phương.
2. Nâng cao chất lượng đào tạo và ứng dụng CNTT, hiện nay một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự trú trọng công tác này.
3. Phát huy vai trò của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành, quản lý; mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị. Đưa kết quả triển khai chuyển đổi số thành chỉ tiêu đánh giá của các ngành, các cấp và cán bộ, công chức, viên chức.
4. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan nghiên cứu việc triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng. "Đoàn Thanh niên cần tập trung thực hiện các phong trào có trọng tâm trọng điểm như học tập ngoại ngữ, tin học chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, gắn với lợi ích quốc gia, lợi ích của từng cá nhân, tạo xung lực, động lực cho mỗi người. Mỗi Đoàn viên, Thanh niên trở thành một công dân số, một cán bộ số.
5. Các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Nâng cao chất lượng nhân lực làm công nghệ thông tin chuyên trách.
6. Tập trung hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến; tăng cường ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động cung cấp dịch vụ cho người dân. Lấy người dân làm trung tâm xây dựng xã hội số.
7. Ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quản lý, điều hành công việc, các ứng dụng nghiệp vụ quản lý.
8. Khen thưởng kịp thời cơ quan, đơn vị làm tốt, nhân rộng mô hình hay; phê bình, kiểm điểm những nơi làm chưa tốt.
Chống dịch thành công thì lấy người dân làm trung tâm và làm chủ thể. Chuyển đổi số cũng phải vì người dân, lấy người dân làm trung tâm, và từng người dân phải tham gia chuyển đổi số thông qua việc sử dụng công nghệ số trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Chống dịch thành công thì cần gần dân nhất, đó là các trung tâm y tế cấp xã, phường, các tổ Covid cộng đồng tại tổ dân phố, thôn, bản. Chuyển đổi số muốn thành công thì cũng cần các tổ công nghệ cộng đồng, lấy thanh niên làm nòng cốt, đến được với từng hộ gia đình. Chuyển đổi số là một cơ hội. Nếu chúng ta đồng hành cùng nhân loại thì chúng ta đứng đâu sẽ vẫn đứng đó. Chỉ có đi trước và đi nhanh hơn thì chúng ta mới vượt lên trước, thay đổi thứ hạng, để trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đi trước thì luôn cần sự dẫn dắt của Đảng, của Nhà nước. Tỉnh uỷ có một nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, UBND có một chương trình hành động về chuyển đổi số. Tiếp theo đó là một thể chế số, một hạ tầng số, một thị trường số, một nguồn nhân lực số, một sự đổi mới sáng tạo số. Những nền tảng ban đầu này sẽ quyết định sự thành công của chuyển đổi số Việt Nam, chuyển đổi Việt Nam thành một quốc gia số thông minh, phồn vinh và hạnh phúc.
Vũ Quốc Toàn