Những quy định mới của chính sách bảo hiểm xã hội năm 2018

21/12/2017 02:58 PM


       Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016, Tuy nhiên, một số chính sách chỉ có hiệu lực từ 01/01/2018, hãy cùng chúng tôi điểm qua những thay đổi này.
       1. Thêm 02 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
       Theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2, khoản 1 Điều 124 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, từ ngày 01/01/2018, thêm 02 đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, gồm:
       - Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
      - Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
       2. Thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu
 
Thời điểm nghỉ hưu Tỷ lệ 45% cho người đủ điều kiện hưởng lương hưu với số năm đóng bảo hiểm tương ứng Tỷ lệ cộng thêm, sau mỗi 1 năm đóng thêm BHXH Mức hưởng lương hưu tối đa
Trước 01/01/2018 Nam: 15 năm đầu
Nữ: 15 năm đầu
Nam: thêm 2%
Nữ : thêm 3%
75%
Từ 01/01/2018 - trước 01/01/2019 Nam: 16 năm đầu
Nữ: 15 năm đầu
Cả nam và nữ thêm 2% 75%
Từ 01/01/2019 - trước 01/01/2020 Nam: 17 năm đầu
Nữ: 15 năm đầu
Cả nam và nữ thêm 2% 75%
Từ 01/01/2020 - trước 01/01/2021 Nam: 18 năm đầu
Nữ: 15 năm đầu
Cả nam và nữ thêm 2% 75%
Từ 01/01/2021 - trước 01/01/2022 Nam: 19 năm đầu
Nữ: 15 năm đầu
Cả nam và nữ thêm 2% 75%
Từ 01/01/2022 trở đi Nam: 20 năm đầu
Nữ: 15 năm đầu
Cả nam và nữ thêm 2% 75%
       - Ví dụ 1: Bà A tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) 31 năm thì nghỉ hưu năm 2018, tỷ lệ khi về hưu tính như sau:
          + 15 năm đầu đóng BHXH được tính bằng 45%.
          + 15 năm tiếp theo tính bằng 15 x 2% = 30%
       Vì đã đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% (45% + 30%), nên 1 năm còn lại được tính hưởng trợ cấp 1 lần.
      - Ví dụ 2: Ông B tham gia đóng BHXH 27 năm thì về hưu (đủ 60 tuổi) năm 2019, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau:
        + 17 năm đầu (vì về hưu năm 2019) đóng BHXH được tính bằng 45%.
        + 10 năm tiếp theo tính bằng 10 x 2% = 20%
      Tổng cộng, ông B được hưởng tỷ lệ lương hưu là 65% (45% + 20%).
      Như vậy, để hưởng mức lương hưu tỷ lệ tối đa 75%, người lao động phải tham gia BHXH theo số năm như sau:
  Hiện nay Từ 01/01/2018
Lao động nữ Từ đủ 25 năm đóng BHXH Từ đủ 30 năm đóng BHXH
Lao động nam Từ đủ 30 năm BHXH trở lên Từ đủ 31 năm đóng BHXH
(nếu nghỉ hưu vào năm 2018)
Từ đủ 32 năm đóng BHXH
(nếu nghỉ hưu vào năm 2019)
Từ đủ 33 năm đóng BHXH
(nếu nghỉ hưu vào năm 2020)
Từ đủ 34 năm đóng BHXH
(nếu nghỉ hưu vào năm 2021)
Từ đủ 35 năm đóng BHXH
(nếu nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi)
       3. Bổ sung khoản thu nhập tính đóng BHXH
       Tiền lương tháng đóng BHXH hiện nay là mức lương và phụ cấp lương theo quy định. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, từ ngày 01/01/2018, tiền lương tháng đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong đó:
       - Phụ cấp lương bao gồm: Phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
       - Các khoản bổ sung khác theo quy định gồm: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;
       - Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
       Theo Khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động, Thương binh và Xã hội; Điểm 2.3 Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam, 14 khoản chế độ và phúc lợi sau sẽ không tính đóng BHXH bắt buộc (hiện hành không tính đóng và sau ngày 01/01/2018 cũng không tính đóng).
       1.Tiền thưởng theo quy định tại điều 103 của bộ Luật lao động 2012
       2.Tiền thưởng sáng kiến
       3.Tiền ăn giữa ca
       4.Tiền hỗ trợ xăng xe
       5.Tiền hỗ trợ điện thoại
       6.Tiền hỗ trợ đi lại
       7.Tiền hỗ trợ giữ trẻ
       8.Tiền hỗ trợ nhà ở
       9.Tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ
      10.Tiền hỗ trợ người lao động có thân nhân bị chết
      11.Tiền hộ trợ lao động có người thân kết hôn
      12.Tiền hỗ trợ khi sinh nhật của người lao động
      13.Tiền trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
      14.Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khách ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP./.
      4. Nhiều vi phạm liên quan đến BHXH sẽ bị xử lý hình sự
      Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Bộ luật này đã bổ sung một số tội danh liên quan đến BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
      Cụ thể, từ 01/01/2018, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định có thể bị phạt tiền đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 07 năm (Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015).
     Với Tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, tùy theo mức độ vi phạm, hậu quả… người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 03 tháng - 10 năm (Điều 214).
     Bạn đọc có thể tải về các văn bản có liên quan tại đây.
Luật Bảo hiểm xã hội của Quốc hội, số 58/2014/QH13  luat-bhxh.pdf
Bộ luật Hình sự của Quốc hội, số 100/2015/QH13  https://app.box.com/s/zh7fooo9asghfuc110z6abnpk9vxf5op
Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thong-tu-59_2015_bldtbxh_huong-dan-bhxhbb.pdf

 

Trần Dũng