Điều chỉnh chức danh nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi sai trong sổ bảo hiểm xã hội

26/12/2017 10:12 AM


         Khi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH),  người lao động (NLĐ) sẽ được cấp sổ BHXH để theo dõi quá trình tham gia BHXH và thông tin ghi trên sổ BHXH cũng là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH cho NLĐ theo quy định. Vì vậy việc khai báo thông tin chính xác về mức tiền lương làm căn cứ đóng, chức danh nghề và nơi làm việc của NLĐ là điều hết sức cần thiết và thuộc trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số cơ quan, đơn vị, nhất là các doanh nghiệp khi thực hiện kê khai chức danh nghề, công việc của NLĐ vào sổ BHXH không đầy đủ, chính xác theo đúng quy định đối với chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội gây khó khăn cho việc giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ. 
 
(ảnh minh họa: Công nhân quản lý, vận hành lưới điện  trung, hạ thế là một trong
những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm)

 
        Trên thực tế có nhiều trường hợp, chức danh nghề, công việc theo quy định là: công nhân sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị  trạm từ 110KV đến dưới 500 KV, Công nhân quản lý, vận hành lưới điện  trung, hạ thế (thuộc ngành điện lực); Công nhân xây dựng cầu đường bộ, nhân viên bán vé, hỗ trợ bán vé, hỗ trợ soát vé cầu, đường bộ (thuộc ngành giao thông vận tải) hoặc NLĐ là công nhân trồng trọt, chăm sóc cà phê, công nhân khai thác cạo mủ cao su (ngành nông nghiệp – lâm nghiệp)… đó đều là những chức danh nghề được xếp loại công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội nhưng đơn vị sử dụng lao động chỉ ghi trong hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng là “công nhân”, “công nhân kỹ thuật” chứ không ghi rõ công nhân ngành nghề cụ thể nào hoặc có ghi nhưng ghi không đầy đủ, chính xác theo đúng chức danh nghề quy định. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc hưởng chế độ BHXH của NLĐ, chẳng hạn như người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng chế độ ốm đau là 40 ngày/năm nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày/năm nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày/năm nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên, nhiều hơn 10 ngày so với người lao động làm nghề hoặc công việc trong điều kiện bình thường; Ngoài ra đối với người lao động có đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trở lên thì khi hưởng chế độ hưu trí sẽ được giảm 5 tuổi đời so với lao động làm việc trong điều kiện bình thường mà không bị giảm trừ tỷ lệ % mức lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.
       Để hướng dẫn việc điều chỉnh chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi chưa chính xác trong sổ BHXH của NLĐ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 4824/LĐTBXH-BHXH ngày 17/11/2017 hướng dẫn cụ thể như sau:
       1. Đối với trường hợp người lao động thực tế làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và được hưởng đầy đủ các chế độ đối với người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật, nhưng ghi chưa đúng chức danh nghề trong sổ bảo hiểm xã hội, thì cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện điều chỉnh theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội.
      2. Khi thực hiện điều chỉnh phải đảm bảo đúng tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành.
     3. Đối với trường hợp người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng hồ sơ chưa đầy đủ hoặc phức tạp, cơ quan Bảo hiểm xã hội không có đủ căn cứ để thực hiện điều chỉnh được theo Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội, thì thông báo người sử dụng lao động lập hồ sơ đề nghị, gửi Bộ, ngành chủ quản có ý kiến với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nếu tiếp tục có kiến nghị điều chỉnh.
     4. Đối với các trường hợp đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đồng ý điều chỉnh chức danh nghề, công việc ghi chưa đúng trong sổ bảo hiểm xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội căn cứ vào văn bản của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để thực hiện điều chỉnh.

Huỳnh Uyên