ĐỔI MỚI TƯ DUY ĐỂ PHÁT TRIỂN

19/09/2024 02:51 PM


Đất nước ta trải qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Dân tộc ta có tinh thần yêu nước nồng nàn, đoàn kế vượt qua mọi khó khăn, gian khổ cùng nhau xây dựng đất nước. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (03/02/1930), Đảng ta lãnh đạo Nhân dân ta đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại hòa bình, độc lập tự do cho tổ quốc xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Đây là một quá trình đấu tranh bền bỉ, vẻ vang dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã gặt hái được nhiều thành công trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Để có được thành quả đất nước được hòa bình, đời sống Nhân dân ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo lý luận Chủ nghĩa Mác - Lê Nin; tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, đổi mới tư duy lãnh đạo đất nước phù hợp trong từng thời kỳ cách mạng của dân tộc.

Sau đại thắng Mùa xuân (30/04/1975) giải phóng Miền Nam, đất nước ta hoàn toàn độc lập hai miền Nam, Bắc được thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế, ổn định đời sống, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đảng ta lãnh đạo thực hiện kế hoạch 10 năm xây dựng đất nước 1975 -1980 và 1980-1985 với cơ chế nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã mang lại nhiều kết quả bước đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau thời gian duy trì mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Đảng ta đã nhận định việc duy trì cơ chế kế hoạch hóa tập trung quá lâu nên bộc lộ những hạn chế, không phù với với tiến trình phát triển đất nước theo xu thế chung của thời đại, nên cần khắc phục những hạn chế đó đưa đất nước phát triển vào giai đoạn mới, Đảng xác định cần phải đổi mới tư duy, lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước phù hợp với từng giai đoạn cách mạng của nước ta. Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt  Nam tháng 12 năm 1986, đã đề ra đường lối đổi mới, Đảng ta bắt đầu từ việc đổi mới tư duy về  kinh tế, trong đó chủ yếu là tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý kinh tế sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa, điều quan trọng nhất là phải kiên quyết nhanh chóng bãi bỏ chế độ kế hoạch hóa tập trung chuyển toàn bộ nền kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đổi mới quản lý nhà nước dần đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, thay đổi cơ chế điều tiết nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng mang tính mở đường, tính mới mẻ và hiện đại với những chủ trương trong tư duy đổi mới đất nước của Đảng. Sau 35 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới đất nước nhân dân ta đã gặt hái được nhiều thành công trên tất cả các lĩnh vực kinh tế; xã hội; an ninh; quốc phòng. Tại Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới đất nước (1986-2021), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định toàn Đảng, toàn dân đã đạt được những thành tựu quan trọng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Từ thực tiễn khách quan của công cuộc đổi mới đất nước hơn 35 năm qua. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Sự khẳng định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là khách quan và hoàn toàn đúng đắn, đó là kết quả của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đưa đất nước phát triển theo hướng hiện đại; duy trì được đà tăng trưởng kinh tế qua các năm; cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ; đảm bảo an ninh, quốc phòng; đời sống Nhân dân ấm no, hạnh phúc. Thành quả của quá trình đổi mới đất nước bằng tư duy sáng tạo, nhạy bén, tôn trọng quy luật khách quan dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam mà không ai có thể phủ nhận được. Những thành quả cách mạng mà Đảng ta đã lãnh đạo đưa đất nước phồn vinh như ngày hôm nay đã được toàn thể Nhân dân ta và bạn bè Quốc tế ghi nhận.

Hình ảnh: Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư duy chiến lược lãnh đạo đất nước luôn được Đảng ta quan tâm, các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra những quyết sách để lãnh đạo, xây dựng đất nước phù hợp với từng thời kỳ cách mạng. Có sự thành công trong công cuộc đổi mới đất nước, trước hết phải nói đến tư duy chiến lược để thực hiện công cuộc đổi mới đất nước của Đảng ta.

Tư duy là phạm trù triết học dùng để chỉ những hoạt động của tinh thần, đem những cảm giác của người ta sửa đổi và cải tạo thế giới thông qua hoạt động vật chất, làm cho người ta có nhận thức đúng đắn về sự vật và ứng xử tích cực với nó. (1)

Tư duy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cả hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người, giúp ta nhận thức được các quy luật khách quan trong cuộc sống, từ đó có thể dự đoán và lập kế hoạch cải thiện, thay đổi hiện thực một cách khoa học.

Tư duy phát triển có thể được hiểu là tư duy dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn, nhận thức được đúng bản chất và thực trạng vấn đề, nhìn ra được xu thế và cơ chế khách quan của sự vận động, trên cơ sở đó xác định được định hướng chiến lược phát triển phù hợp, các nhân tố và thể chế thúc đẩy phát triển(2)

Đúc kết từ thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo, chúng ta nhận thấy rằng đổi mới là sự thay đổi hoặc làm cho cái cũ thay đổi thành cái mới tốt hơn, tiến bộ hơn so với cái cũ. Để đạt được mục tiêu đổi mới, trước hết là phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm phù hợp với tình hình cụ thể theo hướng tích cực, tôn trọng các quy luật khách quan, làm sao cho cái mới đảm bảo được yêu cầu theo xu thế phát triển chung không đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc. Xét trên góc độ khoa học đổi mới tư duy là nền tảng của cuộc cách mạng về trí tuệ đề ra phương thức, cách làm trong từng giai đoạn để xây dựng và phát triển đất nước. Đối với từng ngành, từng lĩnh vực đổi mới tư duy là con người sáng tạo tìm ra cách làm mới với mục đích tạo ra những sản phẩm trí tuệ mới phục vụ cho cho ngành, lĩnh vực làm sao cho cái mới đủ chất để thay thế cái cũ và cách làm cũ, đồng thời mang lại giá trị mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ một cách tiến bộ hơn, đạt kết quả cao hơn cách làm cũ. Nếu từng ngành, từng lĩnh vực thường xuyên nắm bắt xu thế phát triển của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, áp dụng lý luận, tổng kết thực tiễn để nhận định kết quả công tác thời gian qua, tìm ra những vướng mắc, khó khăn, nắm bắt được nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan để xử lý, thay đổi tư duy, phát huy những lợi thế, hạn chế những yếu thế, tìm tòi, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đoàn kết quyết tâm xây dựng ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thì kết quả công tác tại ngành, lĩnh vực đó sẽ phát triển tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. Con người là yếu tố quyết định trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành, lĩnh vực, do đó khi thực thi nhiệm vụ được giao mỗi cá nhân phải có định hướng, xác định nhiệm vụ đã được giao, nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm tự hoạch định kế hoạch để bản thân tổ chức, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ. Muốn hoàn thành nhiệm vụ đã được giao mỗi bản thân chúng ta phải có suy nghĩ, cách làm mới sẽ đem lại kết quả tốt hơn thì cần phải tự có tư duy đổi mới đúng theo Nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nhiệm vụ được giao. Bản thân tự kiểm tra, kiểm soát những nhiệm vụ đã được giao, suy nghĩ những việc làm hiện tại đã mang lại hiệu quả, mang lại kết quả tốt chưa? Theo nhiệm vụ đã được phân công, nếu như bản thân tiếp tục thực hiện cách làm cũ thì có hoàn thành được nhiệm vụ được không? Từ đó bản thân phải tự nảy sinh tư duy đổi mới về cách làm, sáng tạo cách làm mới cho bản thân mình để khi áp dụng tư duy, cách làm mới đó vào nhiệm vụ của mình sẽ có khả năng mang lại kết quả tốt hơn cách làm cũ. Có như vậy chúng ta mới dám đối diện với thực tại, không ngần ngại, không chùn bước trước những khó khăn trong nhiệm vụ đã được giao. Xã hội luôn vận động và phát triển theo quy luật khách quan, khó khăn, thuận lợi luôn đan xen, sự phát triển luôn có những thách thức mà mỗi người chúng ta phải đối diện, bên cạnh những thuận lợi, thì khó khăn thường phổ biến hơn. Vậy làm sao để đẩy lùi khó khăn, tạo ra thuận lợi theo hướng chủ quan thì không có cách nào khác là chúng ta phải tự đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm để đem lại thuận lợi một cách chủ quan cho chúng ta hoàn thành nhiệm vụ.

Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam 30 năm hình thành và phát triển, dưới dự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Ngành ta tự hào rằng với sự phấn đấu, cống hiến của các thế hệ lãnh đạo ngành, toàn thể công chức, viên chức người lao động trong toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ quyết tâm xây dựng và phát triển ngành. Đến hôm nay chúng ta đã gặt hái nhiều thành quả đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Đây là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước giành cho ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhân dịp chào mừng 30 năm thành lập ngành.

Hình ảnh: Kỉ niệm 30 năm thành lập ngành BHXH Việt Nam (16/02/1995-16/02/2025)

Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông trong những năm qua, được sự chỉ đạo trực tiếp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân tỉnh. Để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của ngành trong thực hiện nhiệm vụ cao cả đã được Đảng và Nhà nước giao phó, vì sự nghiệp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nhà, toàn thể công chức, viên chức trong toàn ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông nguyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đã được Đảng và Nhà nước giao. Xác định rõ nhiệm vụ thời gian tới là hết sức khó khăn, vì vậy từng vị trí công tác từ các phòng nghiệp vụ; văn phòng đến Bảo hiểm xã hội các huyện, công chức, viên chức, người lao động ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông luôn xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, luôn bám sát nhiệm vụ được giao, tổng kết thực tiễn, nắm bắt lợi thế, hạn chế những bất lợi, quyết tâm ra sức học tập, sáng tạo, đổi mới tư duy, đổi mới cách làm, vượt qua khó khăn, thách thức bằng hành động và những việc làm cụ thể, tự tạo thuận lợi cho mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2024 và các năm tiếp theo.

Với quyết tâm và sự nổ lực phấn đấu phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất một lòng, công chức; viên chức; người lao động trong hệ thống Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông từ huyện đến tỉnh hăng say lao động, sáng tạo, tự tin, tích cực đổi mới tư duy, đổi mới cách làm phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị thì mọi khó khăn, gian khổ chúng ta đều sẽ vượt qua, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của ngành./.

(1)Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam, tập 4 (Nhà xuất bản Từ điển bách khoa Hà Nội2005)

(2) PGS, TS. TRẦN QUỐC TOẢN. Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.

                                                               

                                                                                           Hồ Tấn Lộc

                                                                                          Tháng 9/2024