Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định việc xử lý hành vi chậm đóng, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
09/01/2025 04:22 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ Thanh tra chuyên ngành Bảo hiểm xã hội (Nguồn ảnh: Báo bảo hiểm xã hội)
Theo đó, Luật BHXH năm 2024 quy định nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp như sau:
Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
Điều 38 Luật BHXH năm 2024 quy định: Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đã đăng ký kể từ sau ngày đóng bảo hiểm xã hội chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật này hoặc kể từ sau ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, trừ trường hợp quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 39 của Luật này;
2. Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này;
3. Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;
4. Thuộc trường hợp không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này.
Biện pháp xử lý hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 40:
1. Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
2. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
3. Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.
Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
Điều 39 Luật BHXH năm 2024 quy định:
1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây để không đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động:
a) Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
b) Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
c) Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật này;
d) Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;
đ) Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật này và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật này;
e) Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật này;
g) Các trường hợp khác bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Chính phủ.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định các trường hợp thuộc khoản 1 Điều này nhưng có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Biện pháp xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 41 như sau:
1. Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
2. Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Việc phân định rõ hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp giúp cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan nhà nước có cơ sở để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp như xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây cũng là tiền đề đưa ra các giải pháp tối ưu, xử lý nghiêm các đơn vị có hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp./.
Nguyễn Thế Mười
Nội dung thông tin cung cấp trên trang thông tin điện tử ?.