Tham gia BHXH tự nguyện cơ hội để đảm bảo cuộc sống khi về già

20/03/2018 05:17 PM


      Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là loại hình bảo hiểm dành cho các đối tượng là người lao động tự do, người dân khu vực nông thôn..., giúp người dân giảm bớt khó khăn, rủi ro và đảm bảo cuộc sống khi về già. Tham gia BHXH tự nguyện thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động về vấn đề tự an sinh cho chính bản thân mình, góp phần phát triển xã hội.

 
                      Ảnh minh họa: Người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, nếu không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện
 
       Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, trong đó có nhiều quy định mới về BHXH tự nguyện tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng tham gia, như bỏ quy định tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện, bỏ quy định mức thu nhập đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức lương cơ sở, thay vào đó là quy định mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Theo đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn mức đóng phù hợp với khả năng tham gia của mình. Bên cạnh đó Luật cũng quy định người tham gia có thể lựa chọn những phương thức đóng BHXH tự nguyện một cách linh hoạt như: Đóng theo tháng, đóng theo quý, đóng theo 6 tháng, đóng theo năm hoặc có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ BHXH tự nguyện.
      Từ tháng 4 năm 2016, việc mở rộng phương thức đóng BHXH cho người dân đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian công tác còn thiếu (không quá 10 năm), thì được đóng BHXH tự nguyện 1 lần để hưởng lương hưu, thời điểm hưởng lương hưu được tính từ ngày 1 tháng  sau liền kề tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.
      Đặc biệt, từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, hỗ trợ 30% đối với hộ nghèo; hỗ trợ 25% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.
      Trong những năm vừa qua, BHXH tỉnh Đắ k Nông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT nên số người tham gia BHXH tự nguyện tăng lên hàng năm, nhiều người dân đã biết được lợi ích thiết thực của việc tham gia BHXH tự nguyện, xem đó là một phần tích góp tiết kiệm để sau hưởng tuổi già. Thực tế ở Thị xã Gia Nghĩa, có chị T.T.T Hiệp, trú tại Tổ 3, phường Nghĩa Tân, trước đây làm công nhân cho một Công ty dệt may tại Đà Nẵng, chị được Công ty đóng BHXH bắt buộc gần 10 năm. Năm 2012, do hoàn cảnh gia đình, chị Hiệp nghỉ việc về làm công việc tự do tại Thị xã Gia Nghĩa. Được nhân viên đại lý BHXH tư vấn, chị Hiệp chuyển sang đóng BHXH tự nguyện. Từ đó đến nay, mặc dù đã chuyển sang làm lao động tự do nhưng chị Hiệp rất yên tâm vì mình vẫn tham gia đóng BHXH tự nguyện đầy đủ, để khi hết tuổi lao động sẽ được hưởng chế độ hưu trí và có thẻ BHYT khám, chữa bệnh. Chị Hiệp chia sẻ “Tôi nghĩ trong cuộc sống rất khó lường trước được những khó khăn, rủi ro gặp phải. Mỗi người nên chuẩn bị cho mình một nguồn thu nhập cần thiết đủ để trang trải cuộc sống. Tham gia BHXH tự nguyện tôi rất yên tâm khi về già, tôi sẽ có lương hưu, đảm bảo cuộc sống cho tôi khi không còn sức lao động nữa”. Còn với bà N.T. Minh ở tổ 6, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa nhờ đóng BHXH tự nguyện mà gần 2 năm nay bà đã nhận được lương hưu hơn 2 triệu đồng/tháng. Bà Minh cho biết, trước đây bà từng làm công tác xã hội tại địa phương. Khi có quyết định nghỉ hưu, bà Minh mới chỉ đóng BHXH bắt buộc được hơn 17 năm. Được sự tư vấn của cán bộ BHXH, bà Minh đã quyết định đóng BHXH tự nguyện một lần để được hưởng lương hưu. Nhờ vậy mà bà đã nhận được một khoản tiền lương hưu hàng tháng để lo cho bản thân khi già yếu mà không phải phụ thuộc con cái. Bà rất vui mừng vì nếu nhà nước không có chính sách cho đóng một lần để hưởng hưu thì bà phải đóng BHXH tự nguyện gần 3 năm sau mới đủ điều kiện hưởng hưu.
 
Bà Nguyễn Thị Hoa, nhân viên đại lý thu BHXH đang tư vấn và hướng dẫn đối tượng đăng ký tham gia BHYT, BHXH tự nguyện
       
        Bên cạnh những kết quả đã đạt được, những năm qua, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Đăk Nông vẫn rất khiêm tốn. Theo BHXH tỉnh, tính đến hết ngày 28/2/2018 toàn tỉnh chỉ có 1.390 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó chủ yếu là những người đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ thời gian hưởng lương hưu nên đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện chứ chưa có nhiều người lao động tự do chủ động tham gia BHXH tự nguyện. Trao đổi với bà Nguyễn Thị Hoa, nhân viên đại lý thu HLHPN phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa. Bà Hoa cho biết: việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của chính sách BHXH tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội rất thiết thực với đời sống của những người hết tuổi lao động. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là người lao động tự do, làm nông, buôn bán nhỏ lẻ... thu nhập hàng tháng còn thấp, công việc bấp bênh, không ổn định, việc chi tiêu hàng ngày phải tính toán để đủ trang trải cuộc sống. Mặc dù người dân được lựa chọn mức đóng BHXH tự nguyện theo khả năng của mình nhưng mức đóng thấp nhất hiện nay bằng 22% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (tức 154.000 đồng/tháng). Đối với người lao động tự do và lao động ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, đây là số tiền không nhỏ. Tuy Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhưng số tiền hỗ trợ hàng tháng cho đối tượng cũng không đáng kể và chưa tạo được động lực để người dân tích cực tham gia (mức hỗ trợ hàng tháng của đối tượng hộ nghèo chỉ có 46.200đ, hộ cận nghèo 30.800đ, đối tượng còn lại 15.400đ). Bên cạnh đó, những người tham gia BHXH tự nguyện phải đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mới được hưởng chế độ, việc phải tham gia thời gian khá dài khiến cho nhiều người dân không muốn đăng ký đóng BHXH tự nguyện. Ngoài ra, phạm vi quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện còn ít hơn so với tham gia BHXH bắt buộc (chỉ gồm hai chế độ là hưu trí và tử tuất) nên người dân cũng chưa mặn mà với việc tự nguyện tham gia BHXH.
        Để thu hút nhiều người dân và lao động tham gia BHXH tự nguyện, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo Nghị quyết số 21- NQ/TW của Bộ Chính trị, BHXH tỉnh cần thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, cụ thể như:
       Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú; kết hợp lồng ghép nội dung BHXH tự nguyện với các buổi sinh hoạt của thôn, xã, các hội, đoàn thể. Phối hợp chặt chẽ có hiệu quả với các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH tự nguyện đến tất cả mọi người dân và có hình thức tuyên truyền phù hợp đến từng đối tượng để nâng cao nhận thức của người lao động về sự cần thiết tham gia BHXH tự nguyện. Tham mưu với HĐND, UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho các địa phương. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các nhân viên đại lý thu BHXH tự nguyện; mở rộng và phát triển hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT tại các xã, phường, thị trấn và đại lý Bưu điện.
      Đồng thời nâng cao trách nhiệm, ý thức phục vụ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH tự nguyện, tạo cho người dân sự tin tưởng vào lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH tự nguyện từ đó sẽ tự giác tham gia.

H.U