Việt Nam: Đã tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân

08/07/2019 02:23 PM


Sau hơn 4 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Việt Nam đã tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, từ khi thực hiện Luật BHYT, tỉ lệ bao phủ BHYT tăng trưởng khá nhanh, từ 52,4 triệu người (60% dân số) tham gia vào năm 2010, đến tháng 6/2019 đã tăng lên hơn 84,5 triệu người (89% dân số).

Đạt được kết quả như trên là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, là sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các bộ, ngành trong thực hiện lộ trình BHYT toàn dân nên đã tạo động lực mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện trên phạm vi cả nước.

Các yếu tố liên quan mật thiết tới công tác tổ chức thực hiện cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, ngành Y tế đổi mới mạnh mẽ tinh thần, thái độ phục vụ và nâng cao chất lượng KCB; BHXH Việt Nam cũng có sự nỗ lực đặc biệt. Còn tại các địa phương, sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tạo chuyển biến căn bản, toàn diện từ tư duy, ý thức trách nhiệm và hành động thiết thực trong thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, xác định rõ muốn phát triển bền vững kinh tế phải đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội...

Tuy nhiên, theo ông Lợi, bên cạnh những thành tựu, việc thực hiện chính sách BHYT thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập. Nguyên nhân là do thực tiễn cuộc sống luôn nảy sinh những vấn đề mới, đòi hỏi phải có sự nhạy bén, linh hoạt trong xử lý. Luật BHYT quy định bắt buộc tham gia BHYT đối với toàn dân nhưng cơ bản vẫn là vận động tự nguyện nên vẫn còn một bộ phận người dân chưa tham gia. Quyền lợi của người có thẻ BHYT được mở rộng, song lại nảy sinh một số kẽ hở nhất định. Việc đổi mới cơ chế tài chính y tế sang hình thức BHYT toàn dân trong điều kiện giá viện phí điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ đã đẩy chi phí KCB tăng cao. Hiện vẫn còn khoảng 11% dân số chưa tham gia BHYT…

Do vậy, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân và phát triển BHYT bền vững, bên cạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, các địa phương cần tập trung thực hiện một số giải pháp, trong đó trọng tâm là chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh có phương án sử dụng nguồn ngân sách địa phương, các nguồn quỹ, nguồn huy động để hỗ trợ thêm phần kinh phí thuộc trách nhiệm phải đóng của người tham gia BHYT. Trong đó, chú trọng đến đối tượng hộ gia đình nông- lâm- ngư nghiệp có mức sống trung bình; HSSV thuộc hộ gia đình đông con và có khó khăn về kinh tế.

Mặt khác, cơ quan BHXH cũng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích khi tham gia BHYT, tránh tư tưởng chủ quan, trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân. Tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với người tham gia BHYT. Đồng thời, ngành Y tế cần thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, từ đó tạo được niềm tin, thu hút thêm người dân tham gia BHYT...

Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội cũng cần tích cực vận động hội viên và người dân cùng tham gia BHYT; tăng cường giám sát, phản biện xã hội, tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách và lợi ích của BHYT trên tinh thần chia sẻ và chăm lo sức khỏe toàn dân.