Một số giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cấp tỉnh tại BHXH tỉnh năm 2023

02/03/2023 03:27 PM


Trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Nông đã không ngừng tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại BHXH tỉnh.

Trên cơ sở các các văn bản chỉ đạo của cấp trên, BHXH tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Kế hoạch số 424- KH/ĐU ngày 04/01/2023 Đảng uỷ BHXH tỉnh về lãnh đạo thực hiện cải cách hành chính (CCHC) năm 2023; Kế hoạch số 2300/KH-BHXH ngày 22/12/2022 về tuyên truyền cải cách hành chính năm 2023; Quyết định số 19/QĐ-BHXH ngày 10/01/2023 về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CCHC BHXH tỉnh Đắk Nông; Quyết định số 897/QĐ-BHXH ngày 28/12/2022 về việc ban hành Kế hoạch CCHC BHXH tỉnh Đắk Nông năm 2023; Kế hoạch số 2336/KH-BHXH ngày 27/12/2022 về ứng dụng công nghệ thông tin năm 2023; Kế hoạch số 2346/KH- BHXH ngày 28/12/2022 về chuyển đổi số năm 2023; Kế hoạch số 2311/KHBHXH ngày 22/12/2022 về kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) BHXH tỉnh Đắk Nông năm 2023, đã cụ thể hóa được các nhiệm vụ, tiến độ thực hiện trong từng lĩnh vực đã tạo thuận lợi cho các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh triển khai thực hiện.

Hình Minh họa

Trong thời gian qua, BHXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các giải pháp duy trì và nâng cao chỉ số cải cách hành chính năm 2023, chấn chỉnh công tác tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại BHXH các huyện, đảm bảo 100% hồ sơ quá hạn có thư xin lỗi, không để tỷ lệ hồ sơ quá hạn vượt quá 03%/quý; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện ký số trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đảm bảo 100% văn bản (trừ văn bản "Mật") được xử lý và phát hành trên hệ thống. Ngoài ra, BHXH tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình CCHC mang lại hiệu quả như “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” tại BHXH tỉnh Đăk Nông, trong đó đã có 25/25 TTHC thực hiện “Ngày không viết” và 4/25 TTHC thực hiện “Ngày không hẹn”. Việc triển khai giao dịch điện tử đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC trong quản lý đối tượng tham gia và giải quyết các chế độ BHXH. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 1.994/2.057 đơn vị sử dụng lao động đã đăng ký và thực hiện GDĐT, đạt tỷ lệ 97%, có 76.776/117.454 hồ sơ điện tử được tiếp nhận, chiếm tỷ lệ 65%. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nội dung CCHC bằng nhiều hình thức, đa dạng và phong phú nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể công chức, viên chức và người lao động, trong đó trọng tâm là thực hiện cải cách TTHC, nhằm đảm bảo giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người lao động và người dân; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả giải quyết công việc hành chính.

BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông theo Quyết định số 468/QĐ-UBND của Ủy ban tỉnh Đắk Nông. Cụ thể, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh BHYT, ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VssID- Bảo hiểm xã hội số, ngành BHXH Đắk Nông đã đẩy mạnh sử dụng CCCD gắn chíp để khám, chữa bệnh với nhiều giải pháp cụ thể và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trên toàn tỉnh có khoảng 338.991 người có CCCD gắn chip được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh và có gần 39.644 người đăng ký sử dụng VssID có thể thực hiện giao dịch điện tử cá nhân trên Cổng dịch vụ công BHXH, đi KCB BHYT mà không cần dùng thẻ BHYT giấy,…

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt: Đến hết năm 2022 số người hưởng nhận trợ cấp BHXH, BHTN qua thẻ ATM bình quân đạt 80%, tăng 8% so với năm 2021, trong đó: Chi trả lương hưu và các khoản trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM là 2.750/6.118 người, đạt 45% trên tổng số người hưởng, tăng 6% so với năm 2021; Trợ cấp BHXH 1 lần qua thẻ ATM là 4.536/4.780 người, đạt 95% trên tổng số người hưởng, tăng 13% so với năm 2021; Trợ cấp BHTN qua ATM là 3.529 người, đạt 100% trên tổng số người hưởng. Năm 2022 số người hưởng nhận trợ cấp BHXH, BHTN qua thẻ ATM tại khu vực đô thị bình quân đạt 85%.

Nhằm mục đích cắt giảm chi phí, giảm thời gian xử lý, nâng cao hiệu quả công tác CCHC trong lĩnh vực BHXH, BHYT góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của tỉnh nhà, BHXH đã đề ra các giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất: Thường xuyên rà soát TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, kịp thời phát hiện đề nghị BHXH Việt Nam loại bỏ hoặc sửa đổi những thủ tục không còn phù hợp, đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của các tổ chức, cá nhân.

Thứ hai: Đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện nghiệp vụ. Trong đó chú trọng việc đẩy mạnh thực hiện GDĐT trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả TTHC về BHXH, BHYT, BHTN qua hệ thống Bưu điện; phấn đấu thực hiện tốt các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp sẽ được cung cấp ở mức độ 4.

Thứ ba: Tăng cường việc phát triển người hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức không dùng tiền mặt theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư: Tăng cường và đổi mới các hình thức tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Chú trọng tuyên truyền, vận động các đơn vị sử dụng lao động thực hiện dịch vụ bưu chính, chủ động trả hồ sơ cho các đơn vị qua dịch vụ bưu chính công ích, hạn chế tối đa nhận hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại tỉnh và huyện.

Thứ năm: Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện CCHC, đặc biệt là kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức trong hệ thống BHXH, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Thứ sáu: Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động về trình độ, năng lực và phẩm chất, cùng với nâng cao ý thức về hành chính phục vụ, nêu cao tinh thần “nỗ lực, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và cá nhân trong giải quyết TTHC.

Bằng những giải pháp cụ thể với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", tất cả các kết quả, nhiệm vụ của Ngành BHXH đều nhằm mang tới những lợi ích tối ưu, tốt hơn cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách. Do đó, năm 2023 và những năm tiếp theo BHXH tỉnh Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn góp phần vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Nông./.

Bích Vân