Vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN sẽ bị xử lý nghiêm

08/01/2019 04:07 PM


     Trong những năm qua, tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, đóng không đủ và gian lận bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) diễn ra khá phổ biến tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, từ đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vi phạm pháp luật. Để bảo vệ quyền lợi của người lao động, Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc Hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, tại Chương XVIII (Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế), tại Mục 2 (Các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), từ Điều 214 đến Điều 216 quy định chi tiết, cụ thể về các tội gian lận BHXH, BHTN và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
     Tội gian lận BHXH, BHTN được quy định tại Điều 214 của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù khi vi phạm các hành vi chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT; lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, BHTN và hưởng các chế độ BHXH.
     Tội gian lận BHYT được quy định tại Điều 215 của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định sẽ phạt tiền hoặc phạt tù khi vi phạm các hành vi chiếm đoạt tiền BHYT; lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.
     Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động được quy định tại Điều 216 của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 quy định phạt tiền hoặc phạt tù khi người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định.
      Dựa trên các mức khác nhau mà Luật đưa ra các khung án phạt hành chính và hình sự khác nhau cho các tội trên. Có thể nói, Bộ Luật Hình sự ra đời đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ để bảo vệ quyền lợi, chế độ BHXH của người lao động yên tâm lao động, sản xuất; Đồng thời giúp cho Ngành Bảo hiểm xã hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao cho về công tác đảm bảo an sinh xã hội của nước nhà./.
 

Lê Thị Nhàn