Đắk Nông: Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị

09/05/2017 11:03 AM


       Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Đắk Nông, qua 05 năm triển khai thực hiện nghị quyết đã đạt nhiều kết quả quan trọng...  
      Ngay sau khi Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, ngày 3/5/2013 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Chương trình số 24-CTr/TU, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số Kế hoạch số 38/KH-UBND, ngày 23/1/2014 về việc phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020; Quyết định số 468/QĐ-UBND, ngày 28/3/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 538/QĐ-TTg, ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 nhằm triển khai thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh. Nhận thức được vai trò quan trọng của Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt, triển khai và tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về mục tiêu Nghị quyết số 21, Chương trình hành động số 24.
      Trên cơ sở Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, Chương trình số 24 của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và các ban, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, cùng với các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Ở cấp huyện có 8/8 Huyện ủy, Thị ủy và các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã xây dựng văn bản triển khai thực hiện, tổ chức Hội nghị quán triệt và các văn bản liên quan đến cán bộ, đảng viên tự cấp huyện đến cấp xã, phường, thị trấn. Đồng thời, từ tỉnh đến cấp huyện đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, xây dựng kế hoạch thực hiện. Các sở, ban, ngành, đoàn thể chủ động và có sự phối hợp xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT và công tác tuyên truyền pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Nhận thức của các cấp, các ngành, người lao động, đơn vị sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia BHXH, BHYT đã có những chuyển biến tích cực. Có thể nói, việc triển khai các chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc và có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
     Sau 05 năm thực hiện, công tác cải cách hành chính trong hệ thống BHXH có bước cải tiến theo cơ chế “một cửa”, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giảm phiền hà cho người tham gia BHXH, BHYT, đáp ứng ngày càng tốt hơn khả năng phục vụ, bảo đảm quyền lợi của người tham gia. Để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp luôn được chú trọng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong lĩnh vực BHXH, BHYT được quan tâm cho đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đảm bảo đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác. Bộ máy tổ chức BHXH các cấp được kiện toàn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT được thực hiện chặt chẽ; quản lý tốt đối tượng đóng và tham gia BHXH, BHYT từ cơ sở. Thực hiện tốt công tác thu, nộp bảo hiểm và giải quyết đầy đủ, kịp thời, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bảo đảm thu chi.
     Chất lượng khám chữa bệnh, dịch vụ y tế được nâng cao, công tác giải quyết các chế độ BHXH, BHYT được thực hiện đúng theo quy định, lập đường dây nóng để xử lý các trường hợp vi phạm nguyên tắc, quy định trong công tác khám chữa bệnh và giải quyết các chế độ cho người dân nhằm tạo niềm tin cho nhân dân khi tham gia BHXH, BHYT.
Công tác kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, nhất là các doanh nghiệp có nhiều lao động được tăng cường, nhất là kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHYT theo quy định của nhà nước; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ và các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi từ BHXH, BHYT. Từ năm 2013 đến nay, các sở, ngành liên quan thực hiện trên 58 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các đơn vị sử dụng lao động về tình hình trích nộp BHXH, BHYT, công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và kịp thời  xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Với việc tăng cường thanh tra như vậy đã nâng cao được ý thức thực hiện nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động, mang lại quyền lợi thiết thực cho người lao động.
       Việc thực hiện và triển khai Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, Chương trình số 24 của Tỉnh ủy đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các chính sách, chế độ BHXH, BHYT được triển khai đầy đủ, kịp thời đem lại quyền lợi cho người dân. Việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT năm sau luôn tăng cao hơn năm trước, vượt chỉ tiêu giao, đặc biệt về lĩnh vực BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh tăng qua 5 năm, cụ thể năm 2012 đạt 59,79%, năm 2013 là 61,79%, năm 2015 là 75,52%, năm 2016 là 81% so với tổng dân số, vượt 2,5% so với chỉ tiêu theo Quyết định 1167/QĐ-TTg, ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020 (79%), vượt 1% so với chỉ tiêu đề ra theo Chương trình hành động số 24 (80%).
      Bên cạnh những kết quả đạt được thì mục tiêu về BHXH và BHTN chưa đạt, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra: lực lượng lao động tham gia BHXH chiếm 10,3% trên tổng số lao động, lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 7,7% trên tổng số lao động; việc chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động còn phổ biến, nợ đọng BHXH tuy có được khắc phục nhưng tỷ lệ nợ vẫn ở mức cao; việc thu hồi nợ sau khởi kiện chưa thực hiện được. Tình trạng lạm dụng khám, chữa bệnh BHYT xảy ra ở một số cơ sở khám, chữa bệnh, thái độ phục vụ người bệnh khám, chữa bệnh có thẻ BHYT của một số y, bác sĩ còn gây bức xúc cho người bệnh; chất lượng khám, chữa bệnh còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,...
 

Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 05 thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị tại tỉnh Đắk Nông

 
       Để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 24 của Tỉnh ủy, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương cần xác định rõ những nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới đó là: Tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện sâu rộng Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và Chương trình số 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ BHXH, BHYT, để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia  BHXH, BHYT góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội của tỉnh nhà. Tăng cường quản lý nhà nước về BHXH, BHYT; các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp chặt chẽ với BHXH ở địa phương trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT; quản lý tốt đối tượng đóng và tham gia BHXH, BHYT từ cơ sở; củng cố và tăng cường quản lý quỹ BHXH, quỹ BHYT bảo đảm thu chi, đầu tư tăng trưởng quỹ hiệu quả và an toàn theo quy định của pháp luật. Tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết nhằm kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, khắc phục yếu kém, khuyết điểm; đồng thời phát hiện, biểu dương các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt và phê phán, xử lý nghiêm những vi phạm về chính sách BHXH, BHYT.  

Phương Loan