Đồng bào dân tộc thiểu số với chính sách BHYT

26/04/2018 10:34 AM


        Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đăk Nông, tính đến tháng 3/2018 toàn tỉnh có hơn 105 ngàn đối tượng người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn đã được NSNN cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Chính sách BHYT đối với đồng bào DTTS thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sức khỏe, đời sống của bà con đồng bào DTTS, giúp bà con giảm bớt gánh nặng, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

 
Ảnh minh họa: Người đồng bào DTTS vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn
được cấp thẻ BHYT và đi khám chữa bệnh miễn phí.
         BHYT là một chính sách xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, có tính chia sẻ cộng đồng được Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Theo quy định, đồng bào DTTS sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được nhà nước đóng 100% kinh phí BHYT và không phải cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT. Ngoài ra, đồng bào DTTS sinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn còn được hưởng chi phí vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh, từ tuyến tỉnh đến tuyến trung ương trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật do quá khả năng điều trị. Chính sách này góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho người DTTS.
        Những năm qua, để hoàn thành việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng người DTTS sinh sống vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn  kịp thời, đúng quy định thì BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Lao động, Thương Binh và Xã Hội, Ủy ban dân tộc tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và yêu cầu UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các phòng ban có liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, thống kê đối tượng người DTTS thuộc diện được cấp thẻ BHYT và gửi về cơ quan BHXH trước ngày 15/12 hằng năm để kịp thời rà soát đối chiếu và cấp thẻ BHYT. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã đôn đốc UBND các xã, phường, thị trấn hoặc cử cán bộ xuống trực tiếp các xã, phường, thị trấn để phối hợp rà soát, đối chiếu và lập danh sách người DTTS sinh sống vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn trên địa bàn tỉnh để cấp thẻ BHYT kịp thời đảm bảo quyền lợi cho đối tượng.
        Việc thực hiện chính sách BHYT cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Trước đây, khi ốm đau, bà con đồng bào DTTS thường tìm đến các thầy lang để cúng, hái lá để uống, đến khi bệnh nặng mới chuyển vào bệnh viện nên thường bệnh không khỏi. Từ khi được nhà nước cấp thẻ BHYT, được tuyên truyền, vận động và hiểu biết về chính sách BHYT thì họ đã đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Điển hình như trường hợp Bà H’ Xộm trú tại Bon Tinh Wel Đơm, Xã Đắk Nia, Thị xã Gia Nghĩa. Bà H’ Xộm chia sẻ: “Mấy năm trước tôi cứ bị đau lưng, đau cổ mà không dám đến bệnh viện chữa vì không có tiền, toàn phải đi xin lá thuốc về đắp nhưng mà không có bớt. Từ năm 2016 đến nay, tôi được nhà nước cấp cho cái thẻ BHYT nên đã lên Bệnh viện tỉnh để khám, bác sỹ bảo tôi bị thoái hóa đốt sống cổ. Đi chữa ở bệnh viện mà không mất tiền nên tôi sung sướng lắm”.
         Còn gia đình ông S.A.Sáng ở Thôn Nam Rạ, xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa có 6 nhân khẩu gồm 2 vợ chồng và 4 người con. Trước đây, khi chưa được cấp thẻ BHYT, mỗi lần bản thân ông hay vợ con bị ốm đau, ông phải đi vay mượn để có tiền đi bệnh viện  khám và điều trị. Thu nhập chính của gia đình ông Sáng đều từ làm rẫy, lúc rảnh thì đi làm thuê để kiếm tiền nên mỗi lần trong gia đình có người đau ốm là ông rất lo lắng, tìm đủ cách để có tiền chữa trị. Mấy năm nay cả nhà ông Sáng được cấp thẻ BHYT miễn phí nên mỗi khi trong gia đình có ai ốm đau, ông không còn lo lắng đi vay mượn để trả tiền viện phí nữa.
Có thể nói BHYT thực sự làm thay đổi quan điểm, nhận thức của đồng bào DTTS trong việc đến cơ sở y tế khám chữa bệnh, giúp đồng bào giảm bớt gánh nặng chi phí y tế. Đồng thời, chính sách BHYT cũng góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, cũng như góp phần bảo đảm an sinh xã hội theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì thời gian qua, việc cấp thẻ BHYT cho người DTTS tại một số địa phương vẫn còn một số bất cập, vẫn còn tình trạng chậm trễ, chưa kịp thời vì một số nguyên nhân sau:
        Một số huyện, thị xã chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong công tác rà soát , lập danh sách cấp thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách trong đó có đối tượng người DTTS sinh sống vùng khó khăn. Vì vậy, vẫn còn tình trạng một số xã lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT gửi cơ quan BHXH chậm trễ, chưa đúng  theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Mặc khác, do trình độ dân trí của một số bà con ĐBDTTS chưa đồng đều nên việc tổng hợp lập danh sách đối tượng là người ĐBDTTS gặp không ít khó khăn. Do thói quen sử dụng nhiều tên, nhiều năm sinh; phát âm, viết chữ tiếng phổ thông hạn chế nên làm sai lệch giữa thông tin được in trong thẻ và các giấy tờ tùy thân.
        Riêng năm 2017, do phải chờ Quyết định phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ nên việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng người DTTS bị chậm trễ, và ngay khi có Quyết định số 582/-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 thì BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thực hiện in, cấp ngay thẻ BHYT cho các đối tượng này. Quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của người tham gia BHYT vẫn được đảm bảo kể từ ngày 01/01/2017.
        Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác rà soát, lập danh sách cấp thẻ BHYT hằng năm, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác rà soát, lập danh sách cấp thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách. Đồng thời phối hợp cùng các ngành có liên quan tăng cường tuyên truyền, phối hợp tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, qua đó nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi người dân khi tham gia BHYT nói chung, đối tượng đồng bào DTTS sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn nói riêng, đảm bảo việc cấp thẻ BHYT cho người dân luôn đầy đủ và kịp thời.

H.U