Cần nêu cao tình thần trách nhiệm với Quỹ bảo hiểm y tế

18/09/2020 07:44 AM


Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm y tế, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chính sách BHYT bắt đầu được triển khai từ năm 1992 theo Điều lệ BHYT. Được ban hành kèm theo Nghị định 299-HĐBT ngày 15/08/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) Ban hành Điều lệ Bảo hiểm Y tế, BHYT Việt Nam trực thuộc Bộ Y tế; BHYT các tỉnh và ngành trực thuộc Sở Y tế và ngành chủ quản. Đến năm 1998, thực hiện Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13/08/1998 của Chính phủ, BHYT Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất hệ thống cơ quan BHYT từ Trung ương đến địa phương và BHYT ngành để quản lý và thực hiện chính sách BHYT. Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước. Từ ngày 01/01/2003, Bảo hiểm y tế Việt Nam sát nhập vào Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Đến ngày 08/08/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 196/2005/QĐ-TTg thành lập Vụ BHYT thuộc Bộ Y tế để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BHYT.

Từ khi ra đời đến nay, chính sách BHYT đã có một vai trò rất lớn trong đời sống xã hội, đồng hành với sự phát triển của đất nước, góp phần xóa đói, giảm nghèo thúc đẩy các vùng, miền khó khăn phát triển kinh tế. Mục đích cuối cùng của chính sách BHYT là chăm lo sức khỏe cho nhân dân khi gặp rũi ro ốm đau, tai nạn, vì vậy khi sử dụng một đồng BHYT sẽ mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Những đồng tiền thật sự đến với người dân, thật sự giúp cho người dân vơi đi gánh nặng về tài chính khi bị ốm đau, bệnh tật mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho người bệnh là việc làm hàng ngày của cán bộ và công chức ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) và đội ngũ Y, Bác sĩ làm công tác khám chữa bệnh. Hàng năm Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi hàng ngàn tỷ đồng để thanh toán chí phí khám chữa bệnh cho người dân, một lượng tiền không hề nhỏ được huy động từ nhiều nguồn đóng góp vào quỹ BHYT: Từ ngân sách Nhà nước; do chủ đơn vị sử dụng lao động; do người lao động, do người dân đóng góp để hình thành quỹ BHYT không mang mục đích kinh doanh vì lợi nhuận. Để đảm bảo việc thực hiện chính sách BHYT, minh bạch về chi thanh toán khám chữa bệnh BHYT, Nhà nước xây dựng các cơ chế tài chính, phân cấp sử dụng quỹ và bảo tồn tăng trưởng quỹ BHYT dưới sự giám sát của Quốc hội và nhân dân. Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008 và Luật BHYT số 46/2014/QH13 ngày 13/06/2014 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT ra đời là cơ sở pháp lý để thực hiện chính sách BHYT đúng pháp luật, tạo thuận lợi cho mọi người dân được tham gia BHYT chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của mình bằng chính sách BHYT.

Ảnh Khám chữa bệnh tại Bệnh viện tỉnh Đắk Nông

Thực trạng về việc sử dụng quỹ BHYT hiện nay là vấn đề lớn mà ngành BHXH quan tâm, là làm sao sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí và mục tiêu cao hơn nữa là tăng trưởng quỹ để đảm bảo cân đối thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người dân trong dài hạn. Trong 08 tháng đầu năm 2020 BHXH Vệt Nam ước tổng chi khám chữa bệnh BHYT trên cả nước khoảng trên 65.000 tỉ đồng, còn lại bốn tháng cuối năm 2020 số chi BHYT sẽ còn tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng nữa. Để đảm bảo chi đúng, chi đủ số tiền và thanh toán chi phí khám chữa bệnh đúng pháp luật để trả cho các cơ sở khám chữa bệnh, BHXH Việt Nam đã bố trí một đội ngũ Giám định viên tại các Bệnh viện để giám sát, kiểm tra các khoản đề nghị thanh toán của các cơ sở khám chữa bệnh. Xong thực trạng hiện nay đâu đó, ít nhiều vẫn còn tình trạng xem quỹ BHYT là “Chùm khế ngọt”, nên việc kê đơn thuốc; vật tư y tế; chuyển tuyến; khám nội trú; ngày giường bệnh… để thanh toán quỹ BHYT có nơi chưa đúng quy định của Pháp luật trong việc khám chữa bệnh BHYT cho người dân. Qua công tác giám định BHYT nhận thấy Quỹ BHYT là nguồn tài chính do Nhà nước huy động đó là nguồn tài chính công, giao cho cơ quan BHXH quản lý và sử dụng đúng quy định của pháp luật, do đó căn cứ các quy định của Pháp luật về việc sử dụng quỹ BHYT thiết nghĩ những cơ quan, người trực tiếp thực hiện việc sử dụng quỹ BHYT khám chữa bệnh cho nhân dân cần có một suy nghĩ hết sức nhân văn và có trách nhiệm về việc sử dụng quỹ BHYT đúng quy định thì việc sử dụng và bảo tồn quỹ BHYTsẽ ngày được đảm bảo trên cơ sở chi đúng, chi đủ cho đối tượng đi khám chữa bệnh BHYT.

Vì vậy việc kê đơn thuốc; vật tư y tế; chỉ định điều trị nội trú; ngoại trú; ngày giường bệnh; các dịch vụ y tế cận lâm sàng …cần thiết phải thật sự đúng quy định của pháp luật có trách nhiệm để đảm bảo thực hiện khám chữa bệnh cho người dân ngày càng tốt hơn, để làm được điều này thì công tác truyền thông phải được nâng cao. Việc nắm vững các quy định của pháp luật về sử dụng quỹ BHYT đối với những cơ quan, người sử dụng quỹ BHYT phải áp dụng thật đúng pháp luật trong việc khám chữa bệnh BHYT cho người dân, thì công tác khám chữa bệnh BHYT sẽ mang lại ý nghĩa thiết thực, không phải tốn kém thời gian và công sức của đội ngũ Giám định BHYT trong việc giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT như hiện nay./.

Hồ Tấn Lộc