Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đăk Nông có hơn 17 nghìn người dân tại 40 thôn đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT

26/07/2021 03:10 PM


Những ngày cuối tháng 6/2021, một niềm vui lớn đã đến với người dân sinh sống tại 40 thôn đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn 25 xã của các huyện Tuy Đức, Đăk R’lấp, Đăk Mil, Đăk Song, Cư Jút, Krông Nô khi gia đình họ sẽ được gia hạn, cấp mới thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 433/QĐ-UBDT của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Ảnh minh họa: người dân sinh sống tại các thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được cấp thẻ BHYT miễn phí

Ngày 18/6/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 433/QĐ-UBDT về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định số 433/QĐ-UBDT). Theo quyết định này, toàn quốc có 2.027 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đó, tỉnh Đăk Nông có 40 thôn đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn 25 xã, thị trấn của các huyện Tuy Đức, Đăk R’lấp, Đăk Mil, Đăk Song, Cư Jút, Krông Nô.

Căn cứ Quyết định trên, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo BHXH các huyện chủ động phối hợp với cơ quan, ban ngành ở địa phương để báo cáo, tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo việc rà soát, lập danh sách gia hạn, cấp thẻ BHYT cho đối tượng là người dân tộc thiểu số và người sinh sống tại 40 thôn đặc biệt khó khăn của 25 xã trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời BHXH tỉnh cũng yêu cầu BHXH các huyện rà soát thông tin cấp thẻ BHYT cho người dân đảm bảo chính xác, không để bỏ sót, sai thông tin và trùng lắp đối tượng tham gia BHYT; phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai cấp phát thẻ BHYT cho người dân đúng quy định, kịp thời đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân. 

Thời hạn sử dụng của thẻ BHYT thực hiện theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ. Đối với đối tượng đã dừng gia hạn theo Công văn số 640/BHXH-QLT ngày 08/6/2021 của BHXH tỉnh do không thuộc địa bàn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, nay thuộc địa bàn theo Quyết định số 433/QĐ-UBDT, thực hiện gia hạn thời hạn sử dụng thẻ BHYT từ ngày ban hành, có hiệu lực của Quyết định số 433/QĐ-UBDT (ngày 18/6/2021).

Theo số liệu báo cáo của BHXH tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã cấp hơn 17 ngàn thẻ BHYT cho người dân sinh sống ở 40 thôn đặc biệt khó khăn thuộc danh sách phê duyệt tại Quyết định số 433/QĐ-UBDT. Tại các thôn này, chiếm phần lớn là hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số (hơn 10 ngàn người) với đời sống còn nhiều khó khăn, thu nhập của gia đình chủ yếu từ làm nương rẫy. Vì vậy, việc được nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí, được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế và được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh có thể nói là niềm vui rất lớn của bà con nhân dân và đồng bào dân tộc ở các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Đơn cứ như trường hợp gia đình ông Y Khap ở Bon Đăk Mâm, Xã Đắk Sắk, Huyện Đắk Mil, hộ gia đình ông gồm có 7 nhân khẩu. Giai đoạn 2016-2020, gia đình ông được cấp thẻ BHYT đối tượng DTTS sinh sống thôn đặc biệt khó khăn, đến đầu tháng 6/2021 thì thẻ BHYT bị giảm do Bon Đăk Mâm không nằm trong danh sách vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Gia đình ông rất lo lắng vì hộ đông nhân khẩu, kinh tế chỉ dựa vào làm nông nên không mấy dư giả, không đủ điều  kiện mua thẻ BHYT cho cả hai vợ chồng và 5 người con. Khi biết gia đình mình tiếp tục được cấp thẻ BHYT từ năm 2021-2025 theo QĐ 433/QĐ-UBND, ông đã vô cùng vui mừng. Bản thân ông và gia đình đều rất hiểu được lợi ích, giá trị của thẻ BHYT khi không may ốm đau, bệnh tật, đặc biệt là có những lúc phải nằm điều trị dài ngày tại bệnh viện, với số tiền phải chữa trị lên đến vài chục triệu đồng. Có BHYT, gia đình ông được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị, nhờ vậy mà gia đình ông giảm bớt gánh nặng kinh tế, tập trung làm ăn để ổn định cuộc sống.

Có thể nói chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí cho người dân sinh sống tại các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một chính sách hết sức nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Qua đó đã sẻ chia gánh nặng về kinh tế, giúp bà con có được cơ hội chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế, được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, vượt qua khó khăn để vươn lên ổn định cuộc sống; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Huỳnh Uyên