Chào mừng kỉ niệm ngày BHYT Việt Nam (1/7/2022): Bảo hiểm y tế “ Người bạn đồng hành” của người dân khi bị ốm đau, tai nạn

25/06/2022 05:38 PM


 Bảo hiểm y tế được hình thành kể từ khi nền công nghiệp và kinh tế hàng hoá đang trong giai đoạn phát triển. Đây chính là quá trình đấu tranh cho quyền lợi của người lao động đối với người chủ thuê mướn nhân công. Người thuê mướn nhân công chỉ trả cho người lao động một mức lương với hàm ý là trả tiền công trong thời gian người lao động còn làm việc. Nhưng khi người lao động bị ốm đau, thai sản, tai nạn, tuổi già… và không thể làm việc được thì không làm sao họ có thể trang trải những chi phí y tế thiết yếu của mình. Chiến lược bảo hiểm sức khỏe cá nhân đầu tiên được tiến hành ở Mỹ trong cuộc nội chiến (1861-1865), nó bao gồm bảo hiểm tai nạn cho những bệnh nhân bị chấn thương khi di chuyển bằng tàu hỏa hay thuyền, vào năm 1847, Công ty bảo hiểm Massachu ở Boston đã cung cấp những chính sách tương đối hoàn chỉnh về những điều khoản phúc lợi được hưởng. Dự án bảo hiểm tai nạn cá nhân đã chứng tỏ khá thành công, vì vậy những dự án này tiếp tục mở rộng đến các loại hình khác của bệnh tật và chấn thương. Trong những năm đầu thế kỷ XX, các nhóm này liên kết với những nhà chăm sóc sức khỏe để trở thành tiền thân của các tổ chức bảo hiểm y tế  hiện đại. (1).

Ở Việt Nam, những năm đầu của thập niên 1990, sau khi thực hiện một số mô hình thí điểm bảo hiểm y tế (BHYT), Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã trình dự thảo pháp lệnh BHYT lên Hội đồng Nhà nước. Trên cơ sở tình tình thực tế về điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, Hội đồng Nhà nước đã quyết định giao Hội đồng Bộ trưởng thí điểm BHYT trên diện rộng. Từ cơ sở đó, năm 1992 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 299-HĐBT, ngày 15/08/1992 về việc ban hành điều lệ BHYT, thẻ BHYT được thay đổi để đáp ứng yêu cầu quản lý nguồn quỹ BHYT tập trung, thống nhất trên toàn quốc. Sau hai năm thực hiện Nghị định 299-HĐBT, hệ thống tổ chức BHYT từ Trung ương đến địa phương đã hình thành với sự quản lý của BHYT Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế. Năm 2002, Chính phủ ban hành Quyết định 20/2002/QĐ-TTg, ngày 24/01/2002 chuyển BHYT Việt Nam sang Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Từ thời điểm này một chính sách an sinh xã hội quan trọng là BHYT thống nhất thực hiện từ Trung ương đến địa phương, theo mô hình một quỹ BHYT tập trung, độc lập với ngân sách nhà nước, do Chính phủ quản lý và điều hành, BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao chức năng, nhiệm vụ chi trả các chi phí khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT khi bị ốm đau, tại nạn trên phạm vi toàn quốc theo hệ thống 3 cấp. Trung ương là BHXH Việt Nam, cấp tỉnh là BHXH tỉnh, thành phố; cấp huyện là BHXH huyện; thị xã; thành phố trực thuộc tỉnh.

 Như vậy BHYT là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức và quản lí nhằm huy động sự đóng góp của cá nhân, tập thể và cả cộng đồng xã hội, phục vụ mục đích chăm lo sức khoẻ, khám và chữa bệnh cho nhân dân. Theo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014-QH13, ngày 13/06/2014, sửa đổi, bổ sung khoản 1; bổ sung khoản 7 và khoản 8 Điều 2 như sau: BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật BHYT, để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”. BHYT là loại hình bảo hiểm thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, theo đó, người mua BHYT sẽ được chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí thăm khám, điều trị, phục hồi sức khỏe,… nếu không may xảy ra ốm đau, tai nạn.

Người dân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại TTYT huyện Đắk Mil

 Con người là trung tâm của xã hội, mưu sinh là trạng thái để con người để tồn tại, đóng góp sức lực của mình, làm việc có thu nhập; sinh hoạt; ăn uống; nghĩ ngơi; vui chơi và chữa bệnh…nhằm mục đích để tái sản xuất sức lao động làm ra của cải vật chất đóng góp cho xã hội. Mỗi người đều mong muốn mình luôn có sức khỏe để lao động, cống hiến, thực hiện ước mơ và hoài bảo, vì vậy mối liên hệ mật thiết giữa con người với sức khỏe là mối liên hệ biện chứng, hữu cơ luôn song hành để mỗi người tồn tại, sống; học tập; lao động và cống hiến để thực hiện được những ước mơ và hoài bảo của mình. Sức khỏe mạnh là nền tảng cơ bản của một cuộc sống an vui, để con người mưu cầu hạnh phúc, là cơ sở quan trọng để mỗi người thực hiện ý tưởng, ước mơ, nguyện vọng của cuộc đời mỗi con người. Bởi nếu bệnh tật, ốm đau, chúng ta thường sẽ không còn đủ sức khỏe, tâm trí nào mà lo lắng, suy nghĩ đến những việc khác. Trong cuộc sống hàng ngày khó có ai biết trước được sức khỏe của mình ngày mai như thế nào? dù rằng y học hiện đại ngày càng tiến bộ, việc chẩn đoán, sàng lọc để giúp con người có thể biết trước sức khỏe của mình để thăm, khám và chăm sóc. Xong với cuộc sống lo toan, mưu sinh nên ít người để ý và cũng không có điều kiện quan tâm đến sức khỏe của mình, đến khi thấy trong người có vấn đề mới đi thăm, khám thì bệnh tình đã tiến triển mới lo chạy chữa. Sự bất ngờ này về sức khỏe sẽ làm cho người bệnh bị sao chấn tâm lý; lo toan; dao động không biết rằng bệnh tình của mình như thế nào? mọi công việc làm ăn dang dỡ; học hành; ước mơ, hoài bảo; con cái nheo nhóc còn ăn học chưa đến nơi, đến chốn. Một nỗi lo bậc nhất trong thời điểm này là lấy đau ra nguồn tài chính để thăm khám, chữa bệnh, nỗi lo không có tiền sẽ không chữa được bệnh là nỗi lo chính đáng và là điều tất yếu.

Đau, bệnh luôn hiện diện và đến với bất cứ ai bất cứ lúc nào nên trong cuộc sống hàng ngày, việc chủ động tích lũy một nguồn tài chính để lo chi phí khám, chữa bệnh là việc làm thường thấy ở một số gia đình. Nhưng trong thực tế vì công việc làm ăn, trang trãi cuộc sống rất nhiều gia đình không đủ nguồn lực tích lũy một nguồn tài chính để lo trước cho việc khám, chữa bệnh. Với đạo lý “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, nhiều người có lòng tốt, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm luôn hướng về người bệnh để chung tay giúp cho người bệnh đẩy lùi bệnh tật đã được xã hội ghi nhận và tôn vinh, nhưng sự giúp đỡ bên ngoài cũng không sao bao phủ hết tất cả những người đang đau ốm. Với mục tiêu xây dựng một xã hội văn minh công bằng, mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất dù là người giàu hay người có thu nhập thấp; người có hoàn cảnh khó khăn; người nghèo... Đảng, Nhà nước đã quan tâm xây dựng và đề ra chính sách BHYT để thực hiện chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho người dân tham gia BHYT không may bị ốm đau, tai nạn.

Việc tham gia BHYT hiện nay hết sức cần thiết đối với người dân, thủ tục tham gia BHYT đơn giản và thuận lợi, ngoài những người được tham gia BHYT theo cơ  quan; doanh nghiệp; tổ chức, đoàn thể; người được Nhà nước hỗ trợ 100% hoặc một phần mức phí đóng BHYT. Mọi người  dân đều có quyền tham gia BHYT tại các Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT tại địa phương người dân cư trú, hoặc tại cơ quan BHXH các cấp, thủ tục thuận lợi nhanh chóng. Khi mỗi người có trên tay tấm thẻ BHYT, thì nổi lo về nguồn tài chính để chữa bệnh khi bị ốm đau, tai nạn sẽ vơi đi rất nhiều vì các chi phí khám, chữa bệnh đã được quỹ BHYT chi trả theo quy định của Luật BHYT. Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người ai cũng mong muốn bản thân và gia đình mình luôn được mạnh khỏe, nhưng khi rũi ro ốm đau, tai nạn bất ngờ đến với bản thân và gia đình thì BHYT sẽ là “Người bạn đồng hành” và tri kỷ của người dân khi không may bị ốm đau, tai nạn./.

(1) Theo nguồn: http://www.investopedia.com/terms/h/healthinsurance.asp

Hồ Tấn Lộc - PGĐ BHXH tỉnh