Nỗi lo của những người không tham gia bảo hiểm y tế nếu đi khám, chữa bệnh kể từ ngày 01/6/2017

09/05/2017 11:06 AM


      Ngày 15/3/2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT về việc quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp (gọi tắt là Thông tư 02). Căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư 02 thì người dân không có bảo hiểm y tế sẽ phải đối mặt với gánh nặng chi phí nếu không may mắc bệnh. Vì từ ngày 01/6/2017, hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng giá, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2 đến 3 lần so với mức giá cũ. Điều khác nhau cơ bản giữa 2 nhóm đối tượng này là bệnh nhân có thẻ BHYT được quỹ BHYT chi trả từ 80 đến 100% chi phí, còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải tự chi trả 100% chi phí.
 

(ảnh: Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Nông)
 
 
            Dẫn lời Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: Việc tăng giá lần này từ 01/6/2017 chủ yếu tập trung vào tăng giá khám bệnh và giá giường nằm. Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Theo ông Phúc, mức tăng này rất đáng kể khi người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT phải là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày (Nguồn: Trang điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam).
            Theo thống kê đến thời điểm tháng 3/2017 ước tính cả nước có khoảng 76,2 triệu người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 82% dân số, vẫn còn khoảng 16,8 triệu người dân chưa tham gia BHYT chiếm18% dân số. Tại tỉnh Đắk Nông, đến thời điểm này, người dân tham gia BHYT chiếm 81% trên tổng dân số, còn 19% dân số chủ yếu là người dân có mức sống trung bình trở lên chưa tham gia BHYT. Như vậy, kể từ ngày 01/6/2017 trở đi, người dân không tham gia BHYT chẳng may mắc bệnh thì phải chi trả các loại chi phí theo quy định tại Thông tư 02 và đó thực sự là nỗi lo và gánh nặng không chỉ của người bệnh và gia đình sẽ nghèo hóa.
            Hiện nay một chiếc thẻ BHYT có mệnh giá là 653.400 đồng (theo mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng), nếu mua theo hộ gia đình thì từ người thứ 2, thứ 3, thứ 4 trở đi thì được giảm lần lượt 70%, 60%, 50% so với người thứ nhất và từ người thứ 5 trở đi thì chỉ số tiền thẻ BHYT bằng 40% của người thứ nhất. Tham gia BHYT mang tính chất nhân văn, phòng khi ốm đau để sử dụng và là cách giúp đỡ cộng đồng, chia sẽ bớt gánh nặng khi có người mắc bệnh nặng. Có thể nói BHYT không chỉ là “phao cứu sinh” của những bệnh nhân nghèo mà còn là “phao cứu sinh” của nhiều bệnh nhân có mức sống cao, nó đảm bảo cho cuộc sống gia đình không bị nghèo hóa khi có người thân bị bệnh phải chữa trị mất chi phí lớn.
            Có nhiều ý kiến cho rằng việc tăng gia dịch vụ sẽ góp phần không nhỏ thúc đẩy tăng tỷ lệ tham gia BHYT của người dân, tuy nhiên thời điểm hiện nay có lẽ việc tăng giá dịch vụ thực sự chưa tạo được sự “đột biến” cũng như chuyển biến mạnh mẽ trong việc tăng tỷ lệ tham gia BHYT. Trong thời gian tới, BHXH tỉnh Đắk Nông sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, mặt khác khuyến khích các tổ chức hỗ trợ cho những người dân có mức sống thấp mua thẻ BHYT để mỗi người dân được đảm bảo chăm sóc sức khỏe./.

Vũ Quốc Toàn