Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 “Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc”

20/03/2024 09:49 AM


Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế hạnh phúc vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực…. Bởi vậy ngày 20/3 - Ngày Quốc tế hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp rằng: cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

Ảnh minh họa (nguồn trên internet)

Trong công cuộc đổi mới, con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, gia đình là điểm xuất phát như Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng đã chỉ rõ: cần "giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ, coi trọng xây dựng gia đình văn hóa". Trong đó, mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa phải gắn với một trong những tiêu chí cơ bản là thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Gia đình với tư cách là một tế bào của xã hội cần phải thực hiện tốt chức năng giáo dục, xã hội hóa các thành viên trong gia đình mình, xây dựng những giá trị đạo đức và truyền thống tốt đẹp. Chỉ khi trong gia đình bố mẹ yêu thương con, con kính trọng và thương yêu bố mẹ, biết giúp đỡ mọi người; chỉ khi trong gia đình mọi người sống vì nhau, đoàn kết thương yêu lẫn nhau, thì lúc đó mối quan hệ giữa các thành viên mới bền chặt, những mầm mống của tệ nạn xã hội mới không nảy sinh và phát triển được. Bởi vậy hãy yêu thương và chia sẻ để tìm thấy cho mình và giúp những người quanh mình, trước hết là gia đình, là những người thân của mình có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực bằng việc:

Tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ: khi cả gia đình được ngồi bên nhau cùng thưởng thức một món ngon, cùng xem một bộ phim hay cùng nhau đi du lịch, … sẽ là thời gian quý giá để được gần bên nhau và hiểu nhau nhiều hơn. Nếu biết dung hòa cảm xúc và thông cảm cho nhau, biết cách tạo ra niềm vui và sự khôi hài chúng ta sẽ giúp cho gia đình thêm ấm cúng và vui vẻ.

Tôn trọng nhau: con cháu và người lớn trong gia đình phải biết tôn trọng và yêu thương nhau. Mọi người phải có trách nhiệm với nhau, giúp đỡ nhau, hiểu nhau, nhường nhịn nhau, cùng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Tạo không khí gia đình: hãy tạo ra một không khí thật thoải mái và nhẹ nhàng để có thể cùng nhau chia sẽ những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau, tạo niềm tin cho nhau. Nếu chúng ta có thể lắng nghe và biết cách chia sẽ những niềm vui, nỗi buồn cùng nhau thì lúc này tình cảm gia đình thật sự gắn kết. Nó giúp chúng ta hiểu về gia đình mình sâu sắc hơn và xích lại gần nhau hơn.

Ảnh minh họa (nguồn trên internet)

Dành thời gian bên gia đình: một ngày chúng ta mất rất nhiều thời gian ở nơi làm việc hay ở trường, không có quá nhiều thời gian để dành cho gia đình, điều này sẽ làm cho tình cảm trong gia đình trở nên nhạt dần và chúng ta sẽ không hiểu hết được gia đình mình có đang gặp chuyện gì hay không? Vì thế chúng ta nên sắp xếp mọi việc để dành thời gian nhiều nhất có thể bên gia đình.

Chính vì gia đình là tế bào của xã hội nên gia đình có phát triển, có hạnh phúc thì xã hội mới phát triển, mới hạnh phúc./.

 

 

 

Nguyễn Nga